Đề cập sở thích quá cá nhân
Theo trang web về tuyển dụng Indeed, HR (nhà tuyển dụng - PV) chỉ dành trung bình 6 - 7 giây để xem CV của ứng viên. Do đó, điều họ chú tâm chính là những từ khóa quan trọng liên quan đến yêu cầu công việc chứ không hẳn là những gì bạn làm trong thời gian rảnh rỗi. Thậm chí, việc ứng viên liệt kê quá nhiều sở thích cá nhân còn có thể khiến HR nghĩ rằng họ chỉ đang cố lấp đầy lỗ hổng trong kỹ năng chuyên môn.
Đề cập sở thích cá nhân quá chi tiết cũng khiến HR "lắc đầu" và e ngại tuyển chọn bạn. |
Vì vậy, hãy cân nhắc liệt kê những phẩm chất nổi bật liên quan đến công việc để HR xác định được bạn là ứng viên tiềm năng. Mặt khác, hãy chỉ đề cập sở thích cá nhân khi nó hỗ trợ cho công việc của bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn ứng tuyển vị trí copywriter cho một công ty thuộc lĩnh vực giải trí, bạn có thể nhắc đến sở thích tìm hiểu về phim ảnh hoặc các xu hướng âm nhạc mới.
Mục tiêu nghề nghiệp sáo rỗng
Không thể phủ nhận mục tiêu nghề nghiệp là yếu tố giúp HR có cái nhìn tổng quát về định hướng cũng như tiềm năng của bạn đối với sự phát triển của công ty. Dần dà, HR sẽ không còn lạ gì với những câu nói rập khuôn như: Tôi muốn trở thành nhân viên A chuyên nghiệp trong 3 năm tới…
Hãy suy nghĩ thật cẩn thận khi viết mục tiêu nghề nghiệp vì HR đã "thuộc lòng" các công thức trên mạng. |
Tuy nhiên, theo cô Angela Smith (chuyên gia khai vấn nghề nghiệp của tờ The Muse) việc đề cập mục tiêu nghề nghiệp trong CV đã trở nên thừa thãi. Thực chất, HR chỉ quan tâm đến trình độ chuyên môn của bạn. Hãy đánh thẳng vào những gì bạn có thể cống hiến cho công ty để chứng minh bản thân là mảnh ghép phù hợp cho vị trí bạn ứng tuyển.
Liệt kê kỹ năng mềm "vô tội vạ"
Nhiều người có xu hướng liệt kê kỹ năng mềm một cách thái quá để thể hiện sự nổi bật với HR. Thực chất, chúng không nói lên nhiều điều về năng lực hoặc tương thích với kinh nghiệm làm việc của bạn. Ngoài ra, trang Great Resumes Fast nhận định kỹ năng mềm là yếu tố không nhất thiết phải chỉ ra chi tiết trong CV. Nếu đề cập kỹ năng mềm, hãy làm rõ cách bạn đã tận dụng nó thế nào trong bối cảnh cụ thể.
Đặc biệt, không nên tự “chấm điểm” cho kỹ năng mềm của bạn vì sẽ không có cơ sở đánh giá chính xác. Việc thổi phồng hay tự hạ thấp kỹ năng của mình sẽ để lại ấn tượng xấu với HR.
Kỹ năng mềm là cần thiết, nhưng cần cân nhắc mức độ kẻo CV của bạn vào "blacklist" ngay. |
Đưa thông tin người tham chiếu
Giờ đây, việc để lại thông tin người tham chiếu (references) trong CV đã không còn hữu hiệu, thậm chí còn gây lo ngại đến quyền riêng tư. Theo Leah Awiti Omil, CEO của công ty chuyên cho thuê nhân sự Omil, không phải ai cũng đồng ý với chuyện người khác tùy ý chia sẻ thông tin cá nhân của mình khi chưa có sự cho phép.
Bên cạnh đó, nếu bạn gửi CV kèm thông tin người tham chiếu đến nhiều công ty khác nhau, người đó ắt hẳn sẽ có ấn tượng xấu về bạn khi phải nhận hàng tá cuộc điện thoại từ các nhà tuyển dụng.
Chỉ nên đưa thông tin người tham chiếu nếu đó là các công việc cần phải bảo đảm, minh bạch. |
Vì vậy, theo StandOutCV, hãy tối ưu hóa không gian trong CV của bạn bằng cách nêu bật những kỹ năng, kinh nghiệm bổ trợ cho công việc. Chỉ nên đưa thông tin người tham chiếu vào CV nếu được yêu cầu.