Học tiếng Anh ở trường chưa hiệu quả
Tại buổi tọa đàm, "Dạy là học tiếng Anh ở trường đại học: Tại sao chưa hiệu quả?", PGS.TS Phan Quang Thế, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thái Nguyên cho rằng, căn nguyên của sự yếu kém dạy và học ngoại ngữ ở trường đại học một phần là do trong nhiều trường ĐH không chuyên về dạy ngoại ngữ vẫn đang tồn tại hình thức dạy học truyền thống giống như dạy các môn Toán, Lí, Hóa, giáo viên đọc, sinh viên chép, làm theo mẫu câu và phân tích ngữ pháp… Cho nên, việc sinh viên có đủ trình độ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi tốt nghiệp ĐH là điều rất khó, không phải chuyện dễ dàng và thậm chí là xa vời.
Theo ông Thế, một phần trách nhiệm là do đội ngũ cán bộ quản lí, giảng viên bộ môn các trường ĐH chưa thật sự tạo môi trường năng động cho sinh viên của mình. Cần có cái nhìn đúng hơn nữa trong quy hoạch xây dựng lại các chương trình đạo tạo ngoại ngữ, giảm lý thuyết, tăng thực hành.
Ông Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho biết, kết quả học ngoại ngữ ở bậc ĐH phần lớn chịu chi phối từ năng lực học ngoại ngữ ở bậc phổ thông do đó dẫn đến tình trạng không đồng đều giữa các sinh viên ở thành thị và ở nông thôn.
Bên cạnh đó, hầu hết số lượng tín chỉ dành cho môn ngoại ngữ ở các trường ĐH hiện đang ở mức trung bình 12 - 18/130 tín so với tương quan chung các học phần trong 4 năm học. Số lượng đó chưa đủ để đạt được sự kì vọng như mọi người vẫn mong muốn ở môn học này.
Do đó, ông Minh cho rằng, cần thiết phải thiết kế, xây dựng lại các chương trình đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên ở các trường ĐH để phù hợp hơn với chính nhu cầu sử dụng của các em.
Một điều quan trọng theo ông Minh, sinh viên thời nay đều biết ngoại ngữ là một “vốn” năng lực có giá trị cao trong tìm kiếm việc làm sau khi ra trường nhưng kết quả lại luôn thấp hơn sự mong đợi đó. Bởi vì, không ít các sinh viên vẫn có tư tưởng chống đối theo kiểu “miễn sao qua được môn, sau này đi làm tính tiếp”, chính bản thân nhiều sinh viên chưa thấy được mức độ cần thiết của lĩnh vực ngoại ngữ để tìm kiếm việc làm sau này - đây mới là bài toán khó cho các trường.
Còn TS Mai Văn Tỉnh, chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường CĐ, ĐH đang đề cao vai trò của người thầy, quên mất nhu cầu tự thân của sinh viên trong việc tự giác tham gia học. Chúng ta phải đặt câu hỏi lý do vì sao khi các em theo học tại trung tâm tiếng Anh luôn thành công hơn các em chỉ học ở trường; bởi vì các em được theo học bằng đam mê, tự giác học, tăng giao tiếp người bản địa.
Đồng tình với quan điểm sinh viên tự giác học vẫn là quan trọng nhất, TS Đỗ Tuấn Minh dẫn chứng, đầu tư vào ngoại ngữ là cách đầu tư ít tốn kém nhất so với các môn khoa học cơ bản khác. Chỉ đơn giản với một chiếc máy tính kết nối mạng internet là có thể kết nối, học hỏi được tất cả các nước trên thế giới. Cho nên mới có những bạn sinh viên nghèo, ở vùng sâu, vùng xa lại rất giỏi về tiếng Anh, tiếng Pháp… do vậy yếu tố cá thể người học sẽ quyết định tất cả.
Cần có 1 chương trình tiếng Anh chuẩn hóa
Tại buổi tọa đàm về "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân" vừa qua, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay, các chương trình, học liệu học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh dễ tiếp cận, không phải đọc nhiều sách, phụ huynh không phải mua nhiều sách, gây lãng phí.
Chương trình này phải tương đối phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được.
“Việc dạy và học ngoại ngữ cần phải thiết thực, ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, tránh tình trạng học đối phó, học vì bằng cấp, chứng chỉ.
Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, các trường đại học, nhất là các trường đại học công nghệ có thể nhập chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh về giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận bằng tiếng Anh. Có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học Tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường. Qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau nên cần đa dạng hóa các mô hình giảng dạy theo hướng, các trường phổ thông dạy nội dung cơ bản, mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Những học sinh có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu hoặc đi du học có thể tìm đến các trung tâm đào tạo chuyên sâu ngoài nhà trường.
Về vấn đề khảo thí, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.
Bộ GD&ĐT cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Giáo viên phải được chuẩn hóa, bồi dưỡng đào tạo theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học. Đổi mới phương thức bồi dưỡng giáo viên bằng công nghệ, giảm cách bồi dưỡng truyền thống không thiết thực. Đồng thời tăng cường xã hội hóa, tạo động lực cho giáo viên tự học để nâng cao kiến thức.
“Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả. Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức CNTT vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, CNTT mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi” - Bộ trưởng bày tỏ.