Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim"

HHT - Có những người hâm mộ không chỉ dừng lại ở việc nghe bản thu âm gốc mà còn liên tục trải nghiệm các bản cover để khám phá những cảm xúc mới mẻ từ giọng hát của người thể hiện mới. Tuy nhiên, nếu bản cover ấy được “hát” bởi trí tuệ nhân tạo (AI) thì sao?

Niềm vui đến từ việc được nghe giọng hát mình yêu thích

Đối với người hâm mộ, nỗi niềm lớn nhất là khi thần tượng “ở ẩn” quá lâu, mãi chưa ra mắt sản phẩm âm nhạc mới. Do đó, việc được nghe giọng ca quen thuộc qua các lễ hội âm nhạc, sự kiện hay thậm chí là bản cover cũng là một “niềm vui khó tả”.

Mai Hương (fan K-Pop 7 năm) - chia sẻ: “Các bản cover dù chỉ 15 - 30 giây trên sóng livestream cũng giúp mình thấy gần gũi với nghệ sĩ hơn. Hơn nữa, nghe giọng ca yêu thích trong một bài hát mới giúp mình cảm nhận được những ẩn ý của bài hát, đồng thời cho thấy sự đa dạng phong cách của nghệ sĩ nữa”.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 1

Cầu được ước thấy, với sự giúp sức của công nghệ AI hiện nay, teen được nghe bản cover của các ca khúc thịnh hành qua giọng hát của bất kỳ ca sĩ nào. Voice cloning (nhân bản giọng hát) sẽ “luyện giọng” cho mô hình AI bằng kho tàng âm nhạc sẵn có của ca sĩ A, sau đó chèn giọng hát ấy vào một ca khúc bất kỳ của ca sĩ B. Cuối cùng, người hâm mộ sẽ được thưởng thức bản cover của ca khúc đó qua giọng hát của ca sĩ A, giống đến từng cái nhấn nhá.

Lướt qua phần bình luận của các bản AI cover trên TikTok sẽ thấy nhiều phản hồi đầy ắp sự phấn khích của fan: “Ước gì ca sĩ A ra mắt bản cover này để tớ có thể nghe hàng ngày”, “Bản cover của ca sĩ B là bản tớ yêu thích nhất”... Ngay cả khi hỏi thăm một chuyên gia trong ngành giải trí, Hoa Học Trò cũng nhận về phản hồi tích cực.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 2

Từ khóa #aicover đứng top tìm kiếm trên nền tảng TikTok.

Chị Phượng Hà, giám đốc tại MeTub Network - đơn vị quản lý nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như Wren Evans - cho biết chị bất ngờ và thích thú vì độ phong phú của các sản phẩm này. Hiện nay, Grimes là nghệ sĩ hiếm hoi khuyến khích người hâm mộ dùng giọng hát của cô cho các bài hát được tạo nên từ AI.

Nếu xem mục tiêu của âm nhạc là giải trí, thì những bản nhạc AI cover này đã phần nào làm đúng nhiệm vụ, vì quả thật chúng mình đã vui vẻ biết bao nhiêu khi nghe giọng hát mình yêu thích xuất hiện trong vô vàn bài hát bắt tai.

Niềm vui của khán giả, trăn trở của nghệ sĩ

Thế nhưng, niềm vui này chỉ dừng lại ở các video giải trí ngắn trên TikTok, vì thật ra hành động sử dụng giọng nói của người khác mà không xin phép là không đúng với pháp luật. Giọng hát của nghệ sĩ khi đã qua xử lý bằng các công cụ AI khiến việc quản lý và bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp. Việc thiếu quy định nhất quán về việc sử dụng AI cho mục đích sản xuất âm nhạc dựa trên chất liệu sẵn có của nghệ sĩ cũng khiến các nghệ sĩ chần chừ khi thực hiện các hành động pháp lý nhằm bảo vệ bản quyền của mình.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 3

Cuộc chia tay giữa UMG và TikTok cũng một phần đến từ sự thiếu kiểm soát các bản AI cover.

Theo chị Phượng, hiện nay các bản AI cover trên TikTok chủ yếu bắt nguồn từ tình cảm đơn thuần của fan dành cho nghệ sĩ. Do đó, chị quyết định không dùng các hành động pháp lý ở thời điểm hiện tại trừ phi các bản AI cover bị dùng cho mục đích thương mại, hạ thấp nghệ sĩ, hay định hướng dư luận.

Chị Phượng cho rằng, nghệ sĩ vẫn có thể thực hiện hành động pháp lý với các bản AI cover nếu chúng ảnh hưởng đến nghệ sĩ về mặt tinh thần. Một số bài hát mang ý nghĩa cá nhân sâu sắc với họ, nhưng lại được hát bởi giọng hát của nghệ sĩ khác có thể khiến họ cảm thấy mất kết nối với tác phẩm của mình.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 4

Gần đây, NSND Lệ Thủy đã phải lên tiếng sau khi giọng hát của bà liên tục được ghép vào các bài nhạc trẻ: “Các cháu quý mến tiếng hát của cô thì cô rất cảm ơn và trân quý lắm. Các cháu làm cho vui một vài bài hát trên tinh thần văn nghệ thì không sao hết, nhưng cái gì đi quá giới hạn thì sẽ không hay”.

Các nghệ sĩ đình đám K-Pop như Baekhyun (EXO), JungKook (BTS), Hanni (NewJeans)... cũng đã thể hiện thái độ bối rối trước làn sóng này.

Ngoài ra, trong trường hợp bản AI cover bắt tai và viral thường sẽ xuất hiện các bình luận so sánh giữa nghệ sĩ gốc và “nghệ sĩ AI”. Điều này có thể khiến các nghệ sĩ cảm thấy thất vọng và mất đi động lực sáng tác. Khi gặp trường hợp này, Mai Hương cho biết bản thân sẽ report và thậm chí “tay đôi” với chủ comment để bảo vệ nghệ sĩ. Nhưng chị Phượng cho rằng đó chỉ là biện pháp ngắn hạn, về lâu dài, vẫn cần một bộ luật quy định bản quyền âm nhạc để cả nghệ sĩ và fan không bị đặt vào tình huống khó xử như trên.

AI có phải là dấu chấm hết của nền âm nhạc giải trí?

Câu trả lời là không. Chị Phượng chỉ ra rằng ngành giải trí vận hành nhờ người hâm mộ và trải nghiệm của họ. Miễn là nghệ sĩ sở hữu cá tính và màu sắc riêng biệt trong âm nhạc, thì các bản cover AI không thể thực sự thay thế họ.

Vậy, tại sao người hâm mộ lại bị thu hút bởi các bản cover AI? Câu trả lời nằm ở mong muốn trải nghiệm bài hát yêu thích theo một cách mới mẻ. Petr Janata, nhà nghiên cứu tại Đại học UC Davis, lý giải về sự phổ biến của các bản cover: “Bộ não của chúng ta vừa yêu thích những thứ quen thuộc vừa khao khát sự mới mẻ. Các bản nhạc cover mang đến cả hai yếu tố này”. Công nghệ AI cho phép người hâm mộ nghe những giai điệu yêu thích trong các giọng hát khác nhau, từ đó khám phá ra những cảm xúc ẩn giấu bên trong bài hát.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 5

AI vẫn có những điểm không thể bắt chước được các nghệ sĩ. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, việc tận hưởng các bản cover AI không nhất thiết có nghĩa là khán giả ủng hộ hoàn toàn việc AI thay thế nghệ sĩ. Không giống như một số ngành khác, ngành âm nhạc phát triển mạnh mẽ nhờ vào mối liên kết giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Mặc dù bản AI cover mới lạ và đầy thú vị, nhưng nó không thể thể hiện được quá trình sáng tạo của nghệ sĩ và những cảm xúc được gửi gắm trong từng giai điệu của bài hát.

Lý do mà các bản dance practice của nghệ sĩ K-Pop từ nhiều năm luôn thu hút người hâm mộ dù chất lượng video hạn chế là vì âm thanh của nhịp dậm chân, của đế giày kin kít trên nền sàn tập, của tiếng đếm nhịp từ nhóm trưởng... Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt ấy bộc lộ tình yêu âm nhạc của nghệ sĩ mà bản AI cover không thể sao chép được.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 6

Các bản dance practice của nghệ sĩ K-Pop luôn thu hút người hâm mộ. Ảnh: BigHit

Chị Phượng nhắn nhủ những bạn trẻ yêu nhạc hãy cứ quan sát làn sóng AI trong âm nhạc, nhưng đừng quên stream nhạc cho nghệ sĩ yêu thích. Như vậy, nghệ sĩ sẽ có nhiều động lực để sáng tạo hơn, và biết đâu trong tương lai, chúng ta sẽ bắt gặp sự kết hợp đầy thú vị của nghệ sĩ lẫn “nghệ sĩ AI” thì sao?

Mời bạn đón đọc các bài viết về kỹ năng sống dành cho Gen Z trên báo Hoa Học Trò, phát hành ngày 1 và 15 hằng tháng tại nhà sách, sạp báo, bưu điện hoặc mua online qua Shopee.

Các ca khúc cover phiên bản AI gây bão: Người nghe "thả tim", nghệ sĩ "thót tim" ảnh 10
Tin liên quan