Top 10 người nổi tiếng là nạn nhân
Công ty phần mềm an ninh McAfee mới đây đưa ra danh sách 10 người nổi tiếng bị hacker lợi dụng nhiều nhất cho các trò lừa đảo trực tuyến trong năm 2024. Theo McAfee, đây là những người mang tầm ảnh hưởng có tên, hình ảnh bị làm giả và sử dụng cho các hoạt động phi pháp mà không có sự đồng thuận của họ. Top 10 do McAfee công bố gồm có:
Scarlett Johansson: Tên và hình ảnh của ngôi sao Black Widow được sử dụng cho các quảng cáo và chứng thực trái phép. Johansson là một trong những diễn viên từng lên tiếng phản đối quyết liệt nội dung do AI sáng tạo mà không có sự đồng thuận. Nữ diễn viên từng tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại OpenAI vì cáo buộc sao chép và bắt chước giọng nói của cô.
Kylie Jenner: Một trang web giả mạo trang mỹ phẩm của Kylie Cosmetics đã sử dụng hình ảnh Jenner để quảng cáo cho các sản phẩm. Tên và ảnh của cô cũng bị mang vào các trò lừa đảo tặng quà trên mạng xã hội.
Taylor Swift: Hình ảnh của nữ ca sĩ bị sử dụng trái phép cho các hoạt động quảng cáo, lừa đảo vé và tặng quà. Taylor Swift cũng từng bị gán ghép cho hoạt động tuyên truyền chính trị khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ loạt ảnh là sản phẩm của AI với nội dung các Swifties ủng hộ ông.
Anya Taylor-Joy: Tên, hình ảnh của ngôi sao Furiosa đã bị sử dụng trong một trò lừa đảo tặng quà, và tài khoản X (Twitter) của cô bị hack để lan truyền tin giả về phần tiếp theo của phim Queen’s Gambit (2020).
Tom Hanks: Nam diễn viên từng thắng giải Oscar này đã bị sử dụng hình ảnh cho quảng cáo về "phương pháp chữa bệnh thần kỳ và các loại thuốc kỳ diệu."
Sabrina Carpenter: Nữ ca sĩ Espresso có tên và hình ảnh bị sử dụng trái phép cho hoạt động lừa đảo bán vé giả và quảng cáo cho một ứng dụng tạo hình ảnh khiêu dâm.
Sydney Sweeney: Tên và hình ảnh của Sweeney bị sử dụng trong các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử.
Blake Lively:Tên của ngôi sao It Ends With Us bị dùng để quảng cáo kẹo dẻo giảm cân.
Johnny Depp: Hình ảnh tài tử "cướp biển vùng Caribbean" bị sử dụng trái phép trong các trò lừa đảo tặng quà, tiền ảo và gây quỹ.
Addison Rae: Tên, hình ảnh của Rae bị dùng cho các chứng thực giả, tặng quà và lừa đảo tiền điện tử.
Tác động đến người hâm mộ và nghệ sĩ
Những vụ lừa đảo trên môi trường trực tuyến không chỉ gây tổn hại đến tài chính và dữ liệu cá nhân của người dùng, mà hệ luỵ của nó rất sâu rộng. Đối với người hâm mộ, McAfee cho rằng mọi người có thể bị tổn thất từ vài trăm đôla đến hơn nửa triệu đôla (khoảng 12 tỷ đồng) cho mỗi cú click chuột vào đường dẫn lạ.
Những kẻ lừa đảo đôi khi cũng sử dụng video làm từ công cụ deepfake giả danh nghệ sĩ, nhằm lấy thông tin tài khoản ngân hàng của người hâm mộ hoặc cài đặt phần mềm độc hại trên thiết bị của họ, có thể dẫn đến việc đánh cắp danh tính.
Ngoài những rủi ro về tiền của, nạn nhân thường cảm thấy bị xúc phạm tinh thần sau khi vướng vào một hoạt động trái phép, nhất là khi phía lừa đảo dùng hình ảnh thần tượng mình.
Công nghệ càng phát triển, người dùng càng phải tỉnh táo hơn trên môi trường trực tuyến. |
Đối với người nổi tiếng, những vụ lừa đảo này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh tiếng của họ trước công chúng. Nhiều ngôi sao, bao gồm Scarlett Johansson, đã có lập trường kiên quyết phản đối việc sử dụng trái phép hình ảnh của mình trong nội dung do AI tạo ra.
Nữ diễn viên Black Widow từng bày tỏ trước công chúng rằng đây không chỉ là vấn đề về quyền riêng tư cá nhân mà còn là những tác động rộng hơn của AI và "nhu cầu giải trình trong thế giới công nghệ".
Deepfake - công cụ "đắc lực" mới của tin tặc
Deepfake là một thuật ngữ kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo), ám chỉ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả nhưng trông cực kỳ chân thực. Công nghệ này cho phép người sử dụng ghép khuôn mặt của một người lên cơ thể của người khác trong một video, hoặc tạo ra những đoạn video giả giọng nói và biểu cảm của một người.
Phân tích của các nhà nghiên cứu McAfee cho thấy các hoạt động lừa đảo về tiền điện tử, bán vé, tặng sản phẩm và quảng cáo “phương thuốc kỳ diệu” nổi lên như một hiện tượng trong những năm gần đây. Những kẻ lừa đảo ngày càng sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, và deepfake là một trong những công cụ được ưa chuộng nhất để khai thác sự danh tiếng của những người nổi tiếng và lừa dối người hâm mộ của họ.
"Mặc dù nội dung do AI tạo ra không phải lúc nào cũng có hại, nhưng ngày càng khó phân biệt điều gì là thật, điều gì là giả.”
“Với việc tội phạm mạng sử dụng công cụ AI tiên tiến để khiến các trò lừa đảo thuyết phục hơn, rủi ro ngày càng tăng, và tên của những người nổi tiếng là mồi nhử hoàn hảo với người tiêu dùng nhẹ dạ,” ông Abhishek Karnik, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về rủi ro của McAfee cho hay.