Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up?

Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up?
HHT - Một bài viết thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ về vấn đề chọn việc làm của sinh viên. Họ sẵn sàng "chạy xe ôm kiếm vài triệu 1 tháng chứ không chịu làm những công việc dùng đầu óc".

Việc đi làm thêm của sinh viên luôn là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Sinh viên có nên đi làm thêm hay không? Lựa chọn công việc gì cho phù hợp?

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hàng trăm group tuyển dụng việc làm sinh viên ra đời. Tuy nhiên, chọn việc làm thêm như thế nào cho có hiệu quả, đúng đắn luôn là câu hỏi khó. Cùng chủ đề này, một bài viết nhận được rất nhiều luồng ý kiến được đăng tải trên Youth Confessions về vấn đề chọn việc làm thêm của sinh viên. Dưới đây là nội dung của bài viết:

“Hỏi 10 cái start-up thì 9 cái thiếu nhân sự, 1 cái thì thiếu trầm trọng, Leader hoặc CEO phải cân cả team… Cuối cùng công ty nào cũng đành ngậm đắng mà thở dài: “Giờ start-up không cạnh tranh nhân sự được với mấy quán trà sữa với cà phê”. 

Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up? ảnh 1
Nhiều sinh viên lựa chọn đi làm thêm tại các quán café. (Ảnh mang tính minh họa)

Cái khó của các công ty khi tuyển dụng đó là cần người có trí tuệ và một chút kĩ năng để đào tạo lên chứ không thể tuyển người hoàn toàn là con số 0 được. Nhưng đến cái mức mà tình trạng thiếu hụt nhân sự nó thành vấn nạn và khủng hoảng trên cả một “đất nước khởi nghiệp” thì thực sự cần phải nhìn nhận lại: Sinh viên thông minh và có kĩ năng họ đang ở đâu?

Chẳng lẽ phần lớn sinh viên đều là không thông minh và không có kĩ năng?

Tôi từng ngồi ở rất nhiều quán cafe làm việc và thấy rất nhiều sinh viên làm thêm ở đây: Nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, hoạt ngôn với khách hàng. Tôi chợt thắc mắc, tại sao bạn ấy lại lựa chọn công việc ở một quán café với mức lương không quá 15.000 đồng/ giờ thay vì đi làm ở một công ty start-up với mức lương tối thiểu 20.000 đồng/ giờ.

Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up? ảnh 2
Ảnh mang tính minh họa.

Tôi không nói là làm việc ở quán café là xấu nhưng khi bạn thông minh mà lại đi giành giật công việc vốn dành cho những người lao động chân tay thì bạn sẽ gây ra 2 điều:

Một là có một số bộ phận người không được thông minh lắm không có việc làm.

Hai là bạn đang đẩy giá lương xuống thấp hơn rất nhiều so với mức mà đúng ra các bạn phải nhận được, không khác gì việc bạn đang giúp đỡ chủ quán cafe bóc lột chính bản thân bạn nhiều và nhiều hơn nữa vậy.

Có người nói với tôi là vì khi tuyển dụng vào một công ty bao giờ cũng có thời gian thử việc, thời gian thực tập, thời gian đào tạo, khoảng thời gian đó không sinh ra tiền ngay. Tôi không hiểu được suy nghĩ đó, tôi tin ở bất kì công ty nào thì thời gian thực tập là thời gian cực kì quý báu.

Những kiến thức bạn học được trong thời gian thực tập ở một công ty, ở ngoài họ tổ hợp lại thành một khóa học và bán với giá trên trời, bạn nghiễm nhiên không mất bất kì chi phí nào mà học được những thứ kiến thức thực sự giá trị trong cuộc sống? Bạn còn đòi hỏi gì nữa đây?

Bạn thử vào các group tuyển dụng và để ý. Những bài viết tuyển dụng nhân viên bán trà sữa, đứng quầy với mức lương 2 - 3 triệu thì rất nhiều người ứng tuyển, thậm chí tranh nhau. Những bài viết nhân viên làm start-up với mức lương khởi điểm từ 3 - 5 triệu thì không có một ai…

Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up? ảnh 3
Những bài viết tuyển dụng nhân viên bán trà sữa, đứng quầy với mức lương 2 - 3 triệu thì rất nhiều người ứng tuyển (Ảnh mang tính minh họa).

Trước đây tôi đọc một bài chửi bới sinh viên mà đi làm Grab, bài đó hơi tiêu cực nhưng không phải không có ý đúng, trong khi lực lượng sinh viên phải là lực lượng nòng cốt trong các ngành trí tuệ thì bỗng nhiên một loạt đều trở thành lực lượng nòng cốt trong một ngành lao động phổ thông.

Điều này xuất phát từ tư tưởng thực dụng (tiền chỗ nào dễ xơi là tao xơi, không phải đau đầu gì mà ra tiền thì chả sướng quá) và tầm nhìn hạn hẹp (đi làm là có tiền ngay, không phải thực tập hay chờ cuối tháng gì nữa). Mà trong trường thì chả bao giờ dạy bạn là phải có ý chí hướng tới những ngành trí tuệ cả.

Hồi du học bên Nhật, tôi thấy sinh viên Nhật và sinh viên Việt khác nhau ở một điểm (xét hai sinh viên có cùng điều kiện kinh tế nhé!). Đa số sinh viên Nhật đều có tư tưởng là thà lương thấp làm trong ngành tri thức còn hơn lương cao mà phải đi lao động, thì sinh viên Việt Nam chỉ có đúng một tư tưởng duy nhất: Đâu nhiều tiền mà dễ làm thì làm, và các ngành phù hợp với tiêu chí đó thì thường là lao động chân tay. Bên Nhật cũng có start-up, nhưng thường là sinh viên Nhật tụ tập làm với nhau, chứ tuyệt nhiên không hề có sinh viên Việt, Trung hoặc nước khác vì chả đứa nào chịu được áp lực và thiếu kinh tế như mấy thằng sinh viên Nhật.

Câu hỏi gây "bão": Tại sao sinh viên chọn làm thêm lương 15K/h còn hơn gia nhập công ty start-up? ảnh 4
Công việc part-time sinh viên nên chọn là gì?

Tóm lại một điều thì tôi thấy nếu sinh viên cứ mãi mãi đi làm quán café, quán trà sữa thì các bạn mãi mãi làm cho đồng lương của quán café, quán trà sữa nó bèo bọt như vậy và quan trọng hơn là làm cho các ngành tri thức của Việt Nam phát triển chậm hơn rất nhiều so với các nước khác.

Các bạn là sinh viên tức là chất xám của các bạn phải rất rất rất nhiều, đừng để nó đóng cục vào đó để đi chạy xe ôm, bê trà sữa, các bạn phải sử dụng trí óc của mình để tạo ra giá trị chứ đừng dùng tay chân.

Bây giờ hãy tìm ngay một công ty bất kì, Startup càng tốt, đăng kí đi làm part-time ngay và đừng quan tâm tới mức lương, chắc chắn nó sẽ cao hơn bê trà sữa, phát triển bản thân ngay từ khi đang năm nhất đại học đi, như thế các bạn mới là tương lai của đất nước hay nói đơn giản là làm cho bố mẹ bạn tự hào được.”

Những dòng chia sẻ tâm huyết này được rất nhiều giới trẻ quan tâm. Và cũng xuất hiện rất nhiều luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Người thì cho rằng sinh viên làm việc lao động chân tay để có thêm kinh nghiệm, va chạm cuộc sống thực tế. Người lại cho rằng rất nhiều sinh viên lười vận động, suy nghĩ đầu óc.

Tài khoản Facebook M.H chia sẻ: “Sinh viên làm thêm vì họ cần kinh nghiệm va chạm và một ít tiền để tiêu xài. Chứ lao vào full time cho công ty thì học hành coi như bỏ. Nếu sinh viên ra trường bằng đại học không lẽ họ lại đi bưng cafe?”

“Mỗi cây mỗi lá mỗi ng mỗi cảnh? Nhiều khi họ cảm thấy công việc đó phù hợp với mình thì làm thôi. Nếu ai ai cũng làm tri thức rồi thì những công việc chân tay đó ai làm” - chia sẻ của tài khoản Facebook T.H.N.

Còn bạn thì nghĩ sao về vấn đề này?

MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.