Học ăn, học nói, học gói, học... thở
Theo thống kê, tính đến ngày 7/9, ngành Giáo dục ghi nhận số ca mắc F0 là 13.870 trường hợp. Riêng TP.HCM có đến 8.141 học sinh, sinh viên và 2.496 giáo viên dương tính với virus SARS-CoV-2. Làm sao để có thể “đến lớp” trực tuyến hiệu quả đã trở thành một bài toán khó đối với các teen đang phải điều trị.
Ảnh minh họa tổng hợp từ Internet |
Bạn Quách Phương Quân (sinh viên trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM) là một Gen Z mang “mã” F0 hiện đang tự điều trị tại nhà. Các thành viên trong gia đình Quân đều thống nhất sẽ hạn chế tiếp xúc, mỗi người “cư trú” một phòng riêng.
Phương Quân chia sẻ: “Vì sức khỏe mình không ổn định, có lúc cảm thấy mệt mỏi, khó thở. Đồ ăn cũng không nếm được mùi vị nên mới đầu mình hay bỏ bữa, người “xuống cấp” hẳn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc học trực tuyến của mình vì thường xuyên bị mất sức”.
"Có thực mới vực được đạo", đây chính là điều Phương Quân rút ra được sau 1 tuần đuối sức. Thay vì dồn vào 3 bữa chính, cô bạn đã giảm lượng thức ăn xuống và kết hợp thêm nhiều bữa phụ “ngoại khóa”. Cách này có thể giúp teen không bị ngán vì một buổi phải ăn quá nhiều thứ không mùi vị. Các thực phẩm giàu chất đạm, chất xơ, vitamin C, sữa chua… cũng được ưu tiên xuất hiện trong thực đơn nhiều hơn. Ngoài ra, teen có thể thử trình bày món ăn thật bắt mắt, hấp dẫn để kích thích cơn thèm ăn của mình.
Hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM mà Gen Z cần "bỏ túi". |
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của các teen F0 khi phải học trực tuyến đó chính là dễ bị "sức cùng lực kiệt". Nhất là khi tập trung vào màn hình quá lâu sẽ dẫn đến những triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, khó thở...
Chia sẻ những bí quyết để an toàn khi đến lớp học ảo, bạn Trần Minh Khoa (sinh viên ĐH KHXH&NV) nhấn mạnh về tư thế ngồi học và nghỉ ngơi dành cho F0. "Mình hay nằm sấp, nằm đầu cao và thường xuyên theo dõi lượng oxi trong máu khi học online. Mặc dù vẫn nghe giảng nhưng mình cũng hạn chế nhìn vào màn hình điện tử quá lâu. Mình cũng nhờ thầy cô gửi tài liệu học có sẵn hoặc nhờ bạn bè ghi chép lại trong quá trình học để đỡ bị mất sức".
Minh Khoa vẫn học trực tuyến đầy đủ kể từ khi phát hiện mình là F0 vào ngày 25/8. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, Minh Khoa cũng tìm hiểu về các bài tập thở, tập thể dục xen kẽ trong thời gian học. Chỉ nên tập trung nghe giảng tối đa từ 15 đến 20 phút rồi đứng dậy để hít thở. Ngoài ra, teen cũng nên để sẵn một máy ghi âm hoặc nhờ bạn bè thu lại bài giảng khi cơ thể cần nghỉ ngơi, không thể theo sát bài học liên tục trong thời gian dài.
Vitamin tinh thần từ các “cổ động viên”
Bên cạnh các “bí kíp vàng” như ăn chín uống sôi, súc miệng nước muối mà bạn Lê Ngọc Ân (trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM) đang áp dụng, vitamin tinh thần cũng là yếu tố được bạn nhấn mạnh. Ngọc Ân chia sẻ: “Nhà mình có quy định sẽ ăn ngủ nghỉ riêng, không sinh hoạt chung như bình thường nên mình cũng khá là lo lắng khi chỉ có một mình. Tuy nhiên thì ba mẹ, thầy cô, bạn bè liên lạc với mình thường xuyên để động viên, hỏi han nên mình cũng cảm thấy yên tâm phần nào”.
Ngọc Ân còn nạp năng lượng tích cực từ việc tập thể dục, quét dọn phòng và học nấu những món ăn mới. Sinh hoạt, học tập và làm việc như một người bình thường có thể giúp các Gen Z bớt căng thẳng và tinh thần phấn chấn hơn. Việc học trực tuyến cũng là một cách “xa mặt nhưng không cách lòng”, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô giúp teen như được tiếp thêm năng lượng để “đánh bại” COVID-19.
Gia đình Ngọc Ân hiện đã có kết quả âm tính sau hơn 10 ngày điều trị tại nhà. Ảnh: NVCC |
Bạn Tuấn Vỹ (Quận 7, TP.HCM) cũng nhận được vô số lời khuyên từ người thầy thân thiết sau khi nhận được kết quả dương tính: "Mình theo học thầy cũng được 3 năm, đúng là có một "người bạn" đồng hành chuyên Hóa vào những lúc này là "bá cháy bọ chét" luôn!".
Tuấn Vỹ an tâm "chinh chiến" với COVID-19 nhờ sự giúp đỡ từ thầy giáo môn Hóa của mình. Ảnh: NVCC |
Những ngày đầu năm học mới, Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên dương tính với SARS-CoV-2. Không chỉ về mặt vật chất, nhiều phương án thăm hỏi, động viên cũng được triển khai kịp thời nhằm có một năm học mà “không ai bị bỏ lại phía sau”. Vì thế, nếu chẳng may trở thành F0, teen cũng đừng lo ngại mà hãy tâm sự với thầy cô để được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc điều trị và học tập.