Từ 15/5 tới, Hội An sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn, bắt buộc phải mua vé. Khách đi theo nhóm nhỏ lẻ, gia đình sẽ mời mua, không ép. Còn khách đi vào với mục đích khác như ăn tối, uống cà phê, chụp hình cưới thì không phải mua vé. Cũng không có chuyện dùng người Hội An nhận diện người Hội An hay phân luồng du khách như một số ý kiến đã đề xuất trước đó.
Lãnh đạo TP Hội An cũng cho biết, vé tham quan Di sản văn hóa thế giới - khu phố cổ Hội An hiện nay rẻ nhất trong 8 khu di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Nguồn thu dành cho trùng tu di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường và phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, việc bán vé tham quan khu phố cổ đã được triển khai từ năm 1995. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, giá vé vẫn giữ nguyên không đổi với 2 mức cụ thể là 80.000 đồng/ khách Việt Nam và 120.000 đồng/ khách nước ngoài, rẻ hơn rất nhiều so với một số di sản trên thế giới như Hạ Long, Đại nội Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng...
Lãnh đạo TP Hội An cho biết, vé tham quan Di sản văn hóa thế giới - khu phố cổ Hội An hiện nay rẻ nhất trong 8 khu di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. (Ảnh: Vntrip.vn) |
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhờ nguồn thu từ tiền bán vé mà gần 30 năm qua, thành phố đã sửa chữa, trùng tu nhiều di tích ở Hội An. Cũng nhờ tiền từ bán vé mà nhiều sản phẩm du lịch phát triển phục vụ du khách, cũng như hỗ trợ lại cho di tích tư nhân. Thành phố cam kết, quá trình thực hiện đề án sẽ chặt chẽ, nhân văn không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân, không ngăn sông hay dùng biện pháp cứng rắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh Hội An nhân tình thuần hậu.
Trước ý kiến cho rằng, việc thành phố siết chặt hoạt động kiểm soát vé tham quan sẽ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh trong khu vực phố cổ, người đứng đầu chính quyền TP Hội An quả quyết, thành phố không khuyến khích các hoạt động kinh doanh buôn bán trong phố cổ vì quá trình kinh doanh sẽ làm mất đi cái hồn của phố cổ.
Ảnh: Trọng Tài |
Hiện nay, gần 70% di tích trong phố cổ được tư nhân nơi khác tới mua hoặc thuê buôn bán, kinh doanh, chỉ còn hơn 30% là người dân gốc sinh sống trong phố cổ. Vì vậy, thành phố đang xây dựng phương án từng bước đưa người dân vào sống trong khu vực phố cổ nhằm tăng hồn phố lên.
Ông Sơn thừa nhận, Hội An hiện quá xô bồ, như dịp lễ 30/4 vừa qua, khách vào khu vực phố cổ quá đông, nhất là thời điểm buổi chiều không có chỗ chen chân. Áp lực đè nặng lên di sản rất lớn, khiến di sản mau xuống cấp, các sản phẩm du lịch dù có cố gắng vẫn không thể tổ chức tốt được.