Phút thứ 39 của trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Indonesia, Thanh Bình đã kéo áo Rafael Struick trong vòng cấm địa, dẫn đến việc ĐT Việt Nam phải chịu một quả phạt penalty. Xem từ các góc quay khác nhau thì đúng là việc kéo áo có xảy ra, nhưng cũng có thể thấy là cú kéo áo đó không mạnh. Vậy trọng tài thổi phạt đền có phải là hơi nặng không?
Tình huống dẫn đến việc ĐT Việt Nam phải chịu một quả phạt đền. Ảnh: FPT Play. |
Theo trang Football Handbook (Sổ tay bóng đá), Điều luật 12 của IFAB (Ủy ban Bóng đá Quốc tế - cơ quan quản lý Luật bóng đá) về các lỗi có nói rằng nếu một cầu thủ (của đội đang) phòng ngự giữ một cầu thủ (của đội đang) tấn công trong vòng cấm địa của mình, thì trọng tài cần thổi phạt penalty. Mặc dù điều luật này không đề cập cụ thể đến việc kéo áo, nhưng kéo áo có thể được đưa vào các lỗi như “giữ cầu thủ đối phương” hoặc “cản trở một cầu thủ đối phương bằng cách tiếp xúc”.
Hơn nữa, mặc dù nhiều lỗi khác trên sân bóng có thể xảy ra một cách vô tình, nhưng rất khó để nói rằng việc kéo áo người khác là vô tình. Hầu hết các chuyên gia thể thao đều cho rằng việc một cầu thủ kéo áo đối phương là cố ý.
Thanh Bình đã phạm lỗi không đáng có. Ảnh: FPT Play. |
Nhưng nếu cú kéo áo không mạnh và cầu thủ bị kéo áo đang không có cơ hội ghi bàn mười mươi? Một điều khác trong luật bóng đá cũng nhắc đến việc này. Đó là nếu một cầu thủ phạm lỗi với đối phương trong vòng cấm địa của mình, dẫn đến từ chối một cơ hội ghi bàn rõ ràng của đối phương, thì ngoài việc thổi phạt đền, trọng tài còn cảnh cáo cầu thủ phạm lỗi nếu việc phạm lỗi chỉ là do cố gắng chơi bóng; còn trong tất cả các trường hợp khác (giữ, kéo, đẩy, không có khả năng chạm bóng…), thì “cầu thủ phạm lỗi phải bị đuổi khỏi sân”.
Cầu thủ ĐT Indonesia bị ngã do bị kéo áo ngay trong vòng cấm địa của ĐT Việt Nam. Ảnh: FPT Play. |
Như vậy, trọng tài đã cho ĐT Indonesia hưởng phạt đền là đúng. Và việc cú kéo áo đó không mạnh, cộng với việc Struick đang không phải ở tình huống có cơ hội trực tiếp ghi bàn rõ ràng, chỉ khiến Thanh Bình không bị phạt thẻ mà thôi.