Một trong những “nỗi ám ảnh” to đùng ngày Tết chính là những câu hỏi khó, hay được nhiều người trẻ xếp vào mục “những câu hỏi kém tế nhị”. Nếu bạn đi học thì sẽ hỏi bạn học thế nào, được điểm cao không, được học bổng không, có định du học không. Nếu bạn sắp ra trường sẽ hỏi bạn tìm được chỗ làm chưa, tư nhân hay nhà nước, chỗ đấy liệu lương có cao không. Nếu bạn mới đi làm sẽ hỏi bạn lương được bao nhiêu, Tết này có được thưởng không, thưởng Tết bao nhiêu… Nếu bạn có anh chị, nhìn sang họ sẽ cảm thấy mình vẫn còn may mắn chán vì vẫn chưa “đến tuổi” để nhận được những câu hỏi như khi nào có người yêu, sao không dắt người yêu về ra mắt, khi nào kết hôn, khi nào có con, khi nào sinh thêm đứa nữa… Rồi lại tự toát mồ hôi lạnh khi tưởng tượng đến cảnh mấy năm nữa chắc mình cũng bị cho “lên dĩa”.
Cảm giác khó chịu khi phải nghe những câu hỏi này là cảm giác thường thấy. Những câu hỏi này không phải chỉ Tết mới phải nghe, nhưng Tết là dịp để chúng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn hẳn. Những câu hỏi ấy “xâm phạm” sự tự do, quyền riêng tư của bạn thật đấy. Những câu hỏi ấy “vô duyên” thật đấy. Những câu hỏi ấy đặt lên bạn những áp lực thật đấy. Nhưng đừng vội bực dọc cáu kỉnh. Có thể bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng, người hỏi quan tâm đến bạn nên mới hỏi.
Ông bà, cô dì chú bác cũng không gặp mình thường xuyên trong cả năm, nhẩm tính ra những lần gặp đếm trên đầu ngón tay. Đối với những ai đi học, đi làm xa thì lại càng khó gặp. Họ cũng chẳng dùng Facebook để “cập nhật” tình hình chúng mình. Nếu có thì một là họ đọc cũng chẳng hình dung được chúng mình viết gì, những điều làm chúng mình băn khoăn sao khó hiểu quá (khoảng cách thế hệ mà), hai là có khi chúng mình đã để chế độ không hiển thị bài viết ấy với một-số-đối-tượng rồi. Nên họ phải hỏi, để hình dung được mình đang sống như thế nào, có tốt không.
Mà nếu không hỏi thế họ cũng chẳng biết hỏi gì. Đối với “người lớn”, thì đó là “chuẩn mực” của một người có một cuộc sống đầy-đủ. Học điểm cao, học trường tốt, lương cao, có người yêu, gia đình ấm êm… là chúng mình có một cuộc sống hạnh phúc “bình thường”. Còn những giá trị khác tồn tại trong thời đại của chúng mình như góp nhặt những trải nghiệm, được đi những nơi mới, được khám phá… rất lạ lẫm với họ. Người lớn chỉ muốn chúng mình “hạnh phúc” như chính chúng mình cũng mong muốn, chỉ là định nghĩa về “hạnh phúc” của cả hai khác nhau mà thôi.
Nên nếu được hỏi “khó”, chúng mình cứ bình tĩnh mỉm cười trả lời thôi. “Dạ, việc học của con ở trường cũng được”. “Dạ, mới đi làm lương chưa nhiều nhưng cũng đủ sống”. “Dạ, chắc cũng sắp có người yêu”… Người lớn cảm giác mình đã ổn thì thường cũng chẳng hỏi tới nữa đâu. Đôi khi họ cũng chẳng để ý lắm đến mức độ chính xác 100% của câu trả lời, chúng mình cũng chẳng nên bận lòng quá. Còn nếu gặp trường hợp cứ bị “hỏi tới” hoài thì… “chạy là thượng sách”. Chúng ta cứ nhẹ nhàng nhường lại việc tiếp khách cho bố mẹ.
Tôi có đọc được đâu đó đại ý nói rằng hài hước đôi khi là chìa khóa thành công trong công việc. Tôi nghĩ hài hước đôi khi cũng là chìa khóa thành công của việc “né” những câu hỏi khó. Có lần tôi bị người lớn hỏi chuyện khi nào có người yêu rồi khi nào cưới, tôi trả lời “Người yêu con đang trên đường đến mà kẹt xe quá đó, chắc năm nay tới” thì mọi người cười ồ lên, xong “mắng” tôi: “Tổ cha mày”. Thế mà xong. Chẳng ai hỏi tới nữa.
Rồi mấy ngày Tết cũng trôi qua. Rồi những câu hỏi khiến chúng ta “mệt mỏi” ấy cũng trôi qua. Thôi thì chúng mình đừng để chúng phá hỏng những ngày vui và những khoảnh khắc sum vầy không phải lúc nào cũng có. Chúng chỉ là những “hạt sạn” nhỏ trong rất nhiều những điều đáng yêu khác của Tết. Chẳng đáng để bận lòng rồi bực dọc cả Tết đâu mà.
FUYU
Ảnh mang tính minh họa, tổng hợp từ Internet