Nhân duyên đi từ bờ Đông sang bờ Tây
Đầu tiên, để mình kể bạn nghe về cách mình biến giấc mơ thành hiện thực: Sinh viên ngành Điều dưỡng nhưng lại được cử sang trường Kinh doanh để trao đổi.
Khi trường gửi đơn ứng tuyển cho sinh viên, dù đang thi cuối kì, mình vẫn tranh thủ nộp vì mình muốn khám phá thêm những thứ ngoài chuyên ngành. Câu hỏi cho bài luận 500 từ mình nhận được là:
“Nếu bạn là lãnh đạo VinUni phụ trách thiết kế trải nghiệm sinh viên, bạn sẽ thiết kế trải nghiệm 4 năm cho VinUni như thế nào?”.
Mình đã lên kế hoạch thiết kế trải nghiệm sinh viên dựa vào kiến thức lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe bệnh nhân (nursing care plan) trong ngành mình học. Để có thể chăm sóc tốt cho bệnh nhân, người điều dưỡng phải thu thập các thông tin khác nhau từ bệnh nhân như thói quen, những gì bệnh nhân đã tiếp xúc và sau cùng là động lực bên trong của họ để có thể hiểu và phục vụ tốt hơn. Mình ghi thẳng các ý đó vào bài luận, nhưng đổi chủ thể là sinh viên. Và thế là: Mình được chọn. Tèn ten!
Tuy nhiên, mình cảm thấy nếu chỉ đi một trường và rinh y nguyên một trải nghiệm duy nhất thì thông tin có vẻ còn hơi thiêu thiếu. Thế là mình ngỏ ý xin mẹ tài trợ 500 đôla (khoảng 12 triệu đồng) cho chuyến đi từ bờ Đông gồm Top 3 Ivy Leagues: Đại học Columbia, Đại học Cornell và trường Cornell Tech (bang New York), Đại học Pennsylvania (bang Pennsylvania); và bờ Tây: Đại học Arizona State, Đại học Stanford và Đại học Vạn Phật (bang California), để có thể hiểu sâu về trải nghiệm sinh viên ở các trường khác nhau ở Mỹ.
Khám phá đời sống sức khỏe sinh viên Mỹ
Chủ đề mình chọn để “ngâm” cứu các trường đại học Mỹ cũng xoay quanh vấn đề sức khỏe. Mình thấy các bạn ở đây tập trung phát triển về sức khỏe thể chất vô cùng. Ở phòng gym VinUni trường mình, mình thấy cứ 1000 sinh viên thì mới có khoảng 35 bạn sử dụng dù gym là miễn phí. Còn ở các trung tâm gym của Cornell, các bạn ấy phải đóng tầm 2 triệu đồng/ tháng để duy trì thẻ gym, tuy nhiên gần 10h tối mà phòng gym vẫn đông nườm nượp. Nhiều bạn đô con gấp ba lần mình. Số liệu cho thấy dù người Mỹ có tỷ lệ béo phì cao nhưng vấn đề đó ở sinh viên các trường Ivy Leagues thì hiếm vô cùng.
Ngay tại trường Cornell, họ có sẵn một trung tâm gọi là Cornell Health để chuyên tư vấn sức khỏe tâm lý của sinh viên. Tuy nhiên, như ở các nơi khác, các lãnh đạo về quản lý sinh viên tại Cornell cho biết cũng gặp rất nhiều khó khăn để giúp đỡ sinh viên toàn trường về sức khỏe tinh thần vì các bạn ấy ngại chia sẻ. Hệ thống Y tế Mass General Brigham có trụ sở tại Boston (Mỹ) cho rằng, lý do là vì các bạn lo sợ bị đánh giá.
Mình đến Đại học Pennsylvania thì được cô giám đốc chương trình cử nhân Điều dưỡng top 1 thế giới cho biết rằng: “Tất cả sinh viên của Đại học Pennsylvania đều phải sống trong ký túc xá tại khuôn viên trường suốt bốn học kỳ đầu tiên”. Lúc đầu mình còn tưởng nhà trường bó buộc nhưng khi hỏi ra mới biết, các giáo sư cũng ở kí túc xá để gần các bạn nhằm hiểu và giúp đỡ các bạn tốt hơn. Vì vậy, mình thấy, để chăm sóc sức khỏe tinh thần, cần lắm sự kết nối và gần gũi để đồng cảm và động viên.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, khỏe mạnh là trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội. Vì vậy, việc phát triển các mối quan hệ luôn được các bạn ở đây chú trọng. Mình vẫn ấn tượng với bạn chủ tịch Dyson Undergraduate Council tại Cornell.
Sau khi kết thúc buổi trò chuyện, bạn ấy mời cả đoàn Việt Nam ngày hôm sau ra bãi cỏ để tận hưởng kem và chơi cùng các bé cún cưng của các bạn sinh viên ĐH Cornell. Bạn bảo là bạn muốn làm gì đó để mọi người tạm ra khỏi áp lực việc học, để trò chuyện và làm gì đó cùng nhau.
Ngoài ra, ở Đại học Columbia, các bạn sinh viên còn có hẳn thời gian nằm trên bãi cỏ buổi chiều để học, trò chuyện và kết nối. Lúc đi thi, các bạn vẫn ra ngồi xin… “vía” bà Alma Mater, một bức tượng lớn ở giữa trường để cầu… “qua môn”. Trường cũng cổ vũ truyền thống ấy nên nghiễm nhiên bà trở thành biểu tượng Marketing nội bộ, để thu hút sinh viên tham gia các hoạt động trường.
Một điều mình thấy rõ rệt ở các trường đại học Mỹ chính là khẩu hiệu của các câu lạc bộ thể thao: Go Sun Devil's của Đại học Arizona State hay Go Cardinals của Đại học Stanford. Chính những khẩu hiệu này mang đến sự ngầm hiểu cho những kẻ lạ mới đến như mình về sự gắn kết sâu sắc của trường.
Đi chuyến này về mình mới thấy, tụi mình thay vì sấp mặt đi học tối ngày, tranh nhau từng con điểm thì hãy tìm cơ hội để cân bằng những khía cạnh khác trong cuộc sống, đặc biệt là quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn.
Trải nghiệm để xua tan sự hoang mang
Thuộc dạng ít nói nên mình chỉ thích quan sát các bạn. Tuy nhiên, có lần sau một cuộc gặp gỡ, có một bạn từ Kenya ra chào mình vì bạn ấy nhớ mình từng tham gia một buổi hội thảo trong chuyến đi. Lúc đó, lòng mình dâng lên niềm vui nho nhỏ, thiệt đúng như câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Nếu muốn người khác kết nối với mình, thì đôi khi chỉ một lời chào là đủ.
Sau khi rời Cornell, áp dụng “lời chào” học được từ người bạn Kenya, mình đã quen được rất nhiều bạn mới. Thế mà mình cứ ngỡ mình không biết nói chuyện nên nhiều lúc tự thấy hoang mang.
Chỉ có trải nghiệm mới dẹp tan những e ngại và hoang mang. Vì càng trải nghiệm càng nhiều, vốn sống bạn càng tăng lên, trở thành “cơ sở dữ liệu” giúp đưa ra các quyết định quan trọng. Chúc bạn chủ động dấn thân để có thật nhiều trải nghiệm thú vị nhé!