BTS - Hoàn tất sứ mệnh "mở đường"
Trước BTS, K-Pop đã có những BIGBANG, Wonder Girls, BoA hay sớm hơn là Se7en từng ôm mộng “giấc mơ Mỹ” song không làm nên chuyện tại nơi đất khách quê người. Rút kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước, sự thành công vang dội của BTS trên đất Mỹ đã mở rộng cánh cửa cho âm nhạc K-Pop đến gần hơn với khán giả trên toàn thế giới.
Sau 57 năm, người ta mới thấy một ca khúc của nghệ sĩ châu Á như Dynamite chiếm “ngai vàng” Billboard Hot 100 suốt 3 tuần liên tiếp, bám trụ trên bảng xếp hạng này nhiều tuần sau đó. BTS cũng là nghệ sĩ đến từ xứ sở Kim chi đầu tiên đạt No.1 Billboard 200 với album Love Yourself: Tear vào năm 2018.
Thành viên Suga từng tâm sự: “Nhóm có những giấc mơ lớn, nhưng chúng tôi không muốn mình phải gấp rút chạy đua để đạt những mục đích đó. Chúng tôi làm mọi thứ bằng sự cố gắng, đó mới chính là thành quả của chúng tôi.”
Ước mơ lớn nhưng bắt đầu bằng những bước đi khiêm tốn, từng bước vững chãi, BTS cho khán giả toàn cầu thấy được sức mạnh và nỗ lực không ngừng nghỉ của mình khi nhóm thiết lập hàng loạt kỉ lục lớn, nhận được đề cử Grammys và “đại thắng” tại Billboard Music Awards 2021 (BBMAs 2021).
Không phải tự nhiên BTS được tạp chí Forbes nhận định là 1 trong 2 nghệ sĩ duy nhất cùng với Taylor Swift có thể lấp đầy mọi sân vận động, có sức ảnh hưởng sâu rộng trên bản đồ âm nhạc thế giới, có lượng fan hâm mộ đông đảo. Không quá khi nói BTS đã hoàn tất sứ mệnh "mở đường" của các tiền bối đi trước, mở ra kỉ nguyên hoàng kim của K-Pop trong nền văn hóa đại chúng.
Toàn cầu hóa âm nhạc tại Grammys
Ở địa hạt điện ảnh, việc tác phẩm Parasite chiến thắng 4 hạng mục quan trọng, trong đó có Phim hay nhất đã phá bỏ định kiến “Oscar - giải thưởng của Mỹ”, chứng minh sự công tâm và tính hàn lâm của Oscar, đồng thời đem đến cái nhìn mới cho thế giới về điện ảnh Hàn Quốc.
Chiến thắng "chấn động địa cầu" của Parasite (Kí sinh trùng) tại Oscar 2020. |
Grammys cũng từng bị “cà khịa” là “giải thưởng của người Mỹ”. Song với sự công nhận dành cho các ngôi sao ngoại quốc đến từ Anh quốc, các nước Mỹ Latinh trong những năm trở lại đây, Grammys mới thực sự đúng nghĩa là giải thưởng âm nhạc quốc tế. Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, các fan K-Pop cũng hy vọng K-Pop sẽ được coi trọng hơn và sẽ có một hạng mục tranh giải riêng tại Grammys.
Grammys vẫn luôn là giấc mơ của cả một nền âm nhạc khu vực. |
Tuy vậy, trái ngược với sự kỳ vọng của người hâm mộ, ông Bill Freimuth - giám đốc Viện Hàn lâm lại chia sẻ: “Theo những gì tôi được biết, K-Pop hiện tại thực sự bắt đầu vào những năm 90s. Họ tiếp thu những gì phổ biến ở thời đại ấy và biến chúng thành của họ.” (theo Billboard Vietnam). Ông cho biết sẽ theo dõi thêm và đánh giá cao về việc Grammys thực sự quan trọng với nghệ sĩ Hàn Quốc.
Phải chẳng K-Pop vẫn chưa đủ độ nhận diện tại Mỹ? |
Rõ ràng tầm vóc của K-Pop ở US&UK vẫn còn hạn chế, ước mơ này có thành hiện thực phải đến từ hai phía, Grammys và K-Pop. Grammys có thể đã sẵn lòng nhưng K-Pop có gì?
Đủ tâm nhưng chưa đủ tầm
Ngoài BTS, Hàn Quốc sở hữu nhều nghệ sĩ tiềm năng khác như BLACKPINK, SEVENTEEN, (G)I-DLE… Họ có quyết tâm vươn mình ra thế giới nhưng dấu ấn vẫn còn chưa thực sự đậm nét. BLACKPINK được kỳ vọng nhiều nhất sau BTS khi 4 cô gái liên tục hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài như Dua Lipa, Cardi B, Selena Gomez hay Lady Gaga. Tuy gây được tiếng vang lớn trong những ngày đầu tiên ra mắt nhưng các sản phẩm của nhóm về lâu về dài “bám chart” chưa thật sự ấn tượng.
BLACKPINK cần có sự đột phá trong tương lai. |
Hiện nay, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia đã nhận được 14 đơn đề xuất xin bổ sung một hạng mục riêng cho các ca khúc K-Pop tại các lễ trao giải Grammys hằng năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền giải trí Hàn Quốc nhưng vẫn là quá sớm để Viện Hàn lâm xem xét đề xuất này một cách nghiêm túc. Tương lai vẫn còn ở phía trước và đường tới Grammys của K-Pop tưởng gần nhưng hóa ra vẫn còn xa lắm!