“Xì-trét” với năng lực của chính mình
Ảnh minh họa: Phim Đừng Phiền Tôi Học. |
Dù đã đến những ngày gần cuối của chặng đua nhưng vẫn có một vài sĩ tử vẫn còn mệt mỏi với năng lực của bản thân. “Liệu bản thân đang ở đâu?”, “Năng lực đã gần với số điểm của mình chưa?”, “Ôn bao nhiêu cho đủ”... vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời mà các bạn đang đối mặt. Chưa kể, nhìn thấy đối thủ của mình đang cố gắng cũng đã đủ để 2K5-ers muốn “gục ngã”.
“Ở giai đoạn này, chúng mình thường sợ vì áp lực thời gian, hay năng lực không quá giỏi, làm đề canh giờ không kịp... Những điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình ôn luyện khiến chúng mình nản chí”, Phương Uyên (học sinh lớp 12, Đà Nẵng) tâm sự.
Minh Phương. |
Từng trải qua một năm chinh chiến, Minh Phương (sinh viên năm nhất trường KHXH&NV, TP.HCM) chia sẻ bí kíp: “Những ngày cận thi như thế này, dẫu biết là các bạn sẽ dần cảm thấy chán nản sau nhiều lần làm đề không như mong muốn. Nhưng hãy nghĩ đến một tương lai mình là sinh viên Đại học của trường mình yêu thích và dốc toàn lực để ôn tập. Đặc biệt là ôn những kiến thức cơ bản để nắm chắc phần qua môn rồi hẳn ôn những câu nâng cao”.
Xao nhãng bởi gà bông
Ảnh minh họa: Phim Our Beloved Summer. |
Tình yêu tuổi học trò như một “con dao hai lưỡi”, nó có thể giúp hai bạn học tốt hơn, dìu dắt nhau trong học tập hoặc ngược lại, một số vấn đề trong mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện của cả hai. Vì thế, mà có một vài cặp đôi gà bông quyết định “đường ai nấy đi” trong thời điểm này để dễ dàng tập trung ôn luyện.
Ảnh minh họa: Phim Bí Mật Nơi Góc Tối. |
Đứng trước “sự cám dỗ” này, các bạn cần phải đặt ra những mục tiêu, những phương pháp để cùng nhau học tập hiệu quả. Một số tips nhỏ “over” hợp với các bạn để vừa “giữ lửa” vừa vượt qua kì thi tốt nghiệp mà chúng mình đã thu thập được đây:
- Thử thách học từ sáng đến tối.
- “So kè” với nhau xem ai giải đề giỏi hơn.
- Kèm cặp những môn yếu thế cho đối phương.
Vượt ra “biển cả” như nàng Ariel
Việc chọn ngành, chọn nghề, chọn ước mơ vốn là điều làm các sĩ tử phải “căng não” mỗi lần nhắc đến. Có những bạn buộc phải học theo sự lựa chọn của bố mẹ mà “tạm gác” giấc mơ của mình lại. Hay một vài bạn rơi vào tình trạng nhìn ngành nào cũng “doesn’t hợp”. Vì thế mà điều này có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng không tốt cho các bạn trong tương lai như việc mất định hướng, gap-year, học đại,...
Ảnh minh họa: Phim Reply 1988. |
Trong bộ phim Reply 1988, khi tâm sự với bố mình Duk Sun đã chia sẻ rằng cô không có ước mơ trong khi bạn bè của cô đều có và cô thấy mình thật thất bại. Thế nhưng, bố Duk Sun lại bảo: “Nếu không có thì bây giờ con mơ ước cũng được mà. Hồi bằng tuổi con bố cũng mơ hồ, chẳng có ước mơ gì mà vẫn sống đến ngày hôm nay, nên con đừng lo lắng, không sao cả đâu”. Hay như nàng tiên cá Ariel đã quyết định rời bỏ cuộc sống thủy cung để “rẽ sóng” lên bờ và khám phá thế giới của riêng mình.
Vấn đề học trái ngành, không có ước mơ là điều mà ai cũng phải gặp, nên đó không phải là biểu hiện của sự thất bại. Điều mà teen chúng ta cần làm đó là hãy thử một lần dám “vượt sóng” như Ariel để vẽ đường khám phá chính mình, hoặc có thể bắt đầu để tìm kiếm ước mơ, khát vọng của mình từng chút một.
Ảnh minh họa: Phim The Little Mermaid (2023). |
Là giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm, cô Hà Lê Dung (giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) khuyên các sĩ tử: “Nỗi sợ về nghề nghiệp thì ai cũng có cả, điều quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt qua và tiến đến một tương lai của riêng mình hay không thôi. Ngoài ra, các bạn cũng thử tưởng tượng về tương lai của mình sẽ có những gì, chúng ta sẽ đối mặt với khó khăn ra sao... để vững bước hơn”.