Bản thông điệp này được bắt đầu từ việc áp dụng “5 xin” trong giao tiếp: Xin chào, xin lỗi, xin phép, xin góp ý, xin cảm ơn.
Thực thiện “4 luôn” khi tiếp xúc: Luôn mỉm cười thân thiện; Luôn nhẹ nhàng lịch thiệp; Luôn thấu hiểu, chia sẻ; Luôn nhiệt tình- Giúp đỡ.
Ghi nhớ “4 không” khi ở trường: Không mang vũ khí, chất gây cháy nổ đến lớp học; Không mang dụng cụ, thiết bị ra ngoài phòng học; Không vứt phấn và giấy vụn, vỏ kẹo… ở lớp học, hành lang; Không hò hét, gây mất trật tự dọc các hành lang lớp học.
Cùng chia sẻ “3 nhớ và một đừng quên”: Nhớ lau sạch bảng đen sau mỗi tiết học và cuối buổi học; Nhớ thu gom rác, phế thải… bỏ vào thùng rác ở hành lang; Nhớ kê lại bàn ghế, đồ dùng của lớp học trước khi ra về; Đừng quên tắt các thiết bị điện trước khi ra về.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội xác nhận, thông điệp trên chính là của trường mình.
“Đây là sản phẩm của Ban giám hiệu nhà trường đưa ra. Chúng tôi đã áp dụng thông điệp này từ năm học 2017- 2018. Và năm nay, nhà trường đang bổ sung thêm thông điệp cho giáo viên, với những từ ngữ ngắn gọn, súc tích”, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cũng theo ông Công, với thông điệp này, nhà trường muốn học sinh, cán bộ nhân viên nhà trường có nếp sống văn minh, thanh lịch không chỉ trong trường mà còn ở nơi công sở.
Với những từ ngữ dễ hiểu, vui vẻ, dễ đi vào lòng người, nhà trường mong muốn thông điệp này mang đến sự thân thiện cho học sinh và giáo viên.
Một độc giả cho biết, sở dĩ nhà trường đưa ra “thông điệp” mà không phải “nội quy” là vì thông điệp là mong muốn, còn nội quy là bắt buộc. Do đó, kết hợp giữa “nội quy” và “thông điệp” để mang tính giáo dục cao hơn.
Độc giả Thanh Ngô thì nhận xét: “Rất tuyệt vời, đây không còn nội quy nữa mà là văn hoá trường học. Các trường nên học tập”.