Theo bảng tổng hợp xử lý học vụ sinh viên học kỳ I năm học 2018-2019 của phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải tại TP.HCM, hơn 300 sinh viên khóa 56 và 58 bị cảnh cáo học vụ và buộc thôi học.
Trong đó, khóa 58 (trúng tuyển năm 2017) có 1.326 sinh viên, thì 221 bạn bị cảnh báo học vụ, 115 người bị buộc thôi học (chiếm gần 10% tổng số sinh viên của khóa).
ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng vừa ra quyết định thôi học đối với 454 sinh viên và cảnh báo học vụ 605 người khác.
Trước đó, trong học kỳ II năm học 2017-2018, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xóa tên hơn 450 sinh viên bị buộc thôi học. Phần lớn số này không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác bị cảnh báo học vụ.
Tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, hơn 2.500 sinh viên nợ học phí kéo dài, có nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ. Điều này gián tiếp dẫn đến nguy cơ bị cảnh cáo học vụ, buộc thôi học hoặc đình chỉ học tập.
Năm nào cũng có nhiều sinh viên bị đuổi vì học kém
Trao đổi với PV, TS Võ Trường Sơn, Phó giám đốc phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết quyết định buộc thôi học sinh viên có học lực yếu được quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, do Bộ GD&ĐT ban hành.
"Đầu khóa học, các bạn đều được nhà trường phát sổ tay sinh viên. Trong đó, quy chế này được các thầy cô giải thích chi tiết trong buổi sinh hoạt đầu khóa, sinh hoạt lớp", ông Sơn nói.
Ông cũng cho biết kết quả học tập từng học kỳ được nhà trường thông báo đến sinh viên và gia đình, trước khi những người không đạt yêu cầu bị buộc thôi học.
Đây không phải lần đầu tiên các trường đại học ở Sài Gòn "mạnh tay" với những sinh viên có kết quả học tập yếu kém. Mấy năm gần đây, con số sinh viên bị cảnh báo học vụ, đuổi học ở TP.HCM lên đến hàng nghìn.
Sinh viên không nghiêm túc, tự ý bỏ học vì chọn sai ngành
Đề cập nguyên nhân của tình trạng này, ông Võ Trường Sơn cho rằng dễ thấy yếu tố đầu tiên là nhiều bạn không tập trung học tập. Sau thời gian dài ôn thi đại học căng thẳng, không ít sinh viên có tâm lý "xả hơi", trong khi môi trường đại học hoàn toàn mới so với phổ thông, cần sự nỗ lực lớn.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, quá trình học đại học hiện nay thay đổi khá nhiều, sinh viên phải tham gia các hoạt động, rèn luyện kỹ năng, chứ không chỉ ngồi ở giảng đường, thư viện.
Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi các em phải tra cứu, tự học nhiều hơn, không chỉ trong giáo trình, sách vở. Vì vậy, bạn nào ý thức chưa tốt, không có bố mẹ, người thân quản lý, dễ bê trễ học hành.
Thạc sĩ Sơn cũng cho hay các trường đại học hiện nay tính điểm tích lũy. Sinh viên bị "rớt" một vài môn trong học kỳ, tích lũy nhiều học kỳ lại, các em sẽ bị cho thôi học.
"Nhiều bạn vào đại học với tâm thế không chuẩn bị kỹ, không nỗ lực, cố gắng, đồng thời có sự thay đổi môi trường, cũng như phương pháp học tập, nên kết quả kém là dễ hiểu", ông Phạm Thái Sơn nói.
Ngoài ra, có tình trạng sinh viên "chọn đại" một trường để "xí chỗ", học tạm, chờ thi lại trường mình thích. Vì thế, các bạn học đối phó, không có đam mê, động lực, dẫn đến kết quả "bết bát".
"Việc chọn lại trường hoặc ngành học có thể hiểu được do ở bậc phổ thông các em chưa có kinh nghiệm và nhiều thông tin. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhiều bạn không nghiêm túc trong học tập, dẫn đến kết quả thấp. Nếu quyết tâm, kết quả một số môn có thể được công nhận khi chuyển trường hoặc ngành học, khi đó sẽ bớt được chi phí, thời gian", đại diện ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhận định.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nêu quan điểm tình trạng sinh viên "chọn đại" một trường phần nào cho thấy các bạn trẻ chưa đủ khả năng lẫn kỹ năng trong việc hiểu bản thân và chọn ngành nghề phù hợp. Điều đó dẫn đến lãng phí cả thời gian và tiền bạc.
Chia sẻ ý trên, ông Phạm Thái Sơn cho rằng việc sinh viên bị đuổi học vừa đáng lo ngại nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng. Lo ngại ở chỗ các bạn chưa có kỹ năng khám phá bản thân để chọn ngành, nghề, chưa xây dựng được phương pháp học tập phù hợp, cũng như chưa có tâm thế cho việc vào đại học.
Nhưng, đây cũng là dấu hiệu cho thấy các trường đại học ngày càng siết chặt chất lượng đào tạo. Những người không nghiêm túc, nỗ lực, kết quả kém sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Theo Điều 16, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ do Bộ GD&ĐT ban hành, việc cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, dựa trên các điều kiện sau:
a) Điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá;
b) Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo;
c) Tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khóa học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.
Tùy theo đặc điểm của từng trường, hiệu trưởng quy định áp dụng một hoặc hai trong ba điều kiện nêu trên để cảnh báo kết quả học tập của sinh viên và quy định số lần cảnh báo kết quả học tập, nhưng không vượt quá 2 lần liên tiếp.
Sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Hiệu trưởng;
b) Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường quy định
c) Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ hoặc bị kỷ luật ở mức xoá tên khỏi danh sách sinh viên của trường.