Avocado123@...
Chào em,
Đọc thư của em, anh chợt nhớ đến câu chuyện Ngôi nhà của bác thợ xây. Chuyện là có một bác thợ xây nọ đã sắp đến tuổi nghỉ hưu nên chỉ muốn nhanh nhanh được nghỉ làm. Vậy mà người chủ của bác vẫn cứ giao thêm cho bác một công việc: “Đây sẽ là căn nhà cuối cùng tôi cần bác xây dựng”. Bác bực bội lắm, vậy là bác quyết định chỉ làm qua loa cho xong. Bác thuê thợ kém, vôi vữa cũng chẳng cần chọn loại tốt và pha trộn cẩn thận gì cả. Ngày làm xong ngôi nhà, người chủ trao chiếc chìa khóa nhà vào tay bác và nói rằng: “Đây là căn nhà tôi tặng cho bác, cảm ơn bác suốt thời gian qua đã luôn làm việc hết mình cho công ty”.
Không cần nói, hẳn em cũng hiểu được tâm trạng thẫn thờ, tiếc nuối của bác thợ xây lúc đó rồi phải không? Đôi khi, có những thứ hiện tại dù chưa được ưng ý sẽ trở thành hành trang tốt nhất cho ta của ngày mai, nhưng vì cứ mãi nghĩ về “hôm qua” và bực bội với “hôm nay” mà ta đã vô tình đánh rơi mất, em có nhận thấy không?
Anh hiểu em cảm thấy rất “lửng lơ” vì chân đã ở đây mà lòng vẫn còn tít bên kia nửa vòng trái đất, và anh cũng thấy ước mơ được quay lại Mỹ của em chẳng có gì xấu cả, rất hay nữa là đằng khác. Nhưng trước khi cất cánh bay, mỗi ngày chúng ta hãy đóng đinh, lát sàn, xây tường cho “ngôi nhà” của mình một cách khôn ngoan và vững chắc nhất. Ta có thể cùng nhau bắt đầu từ việc làm tốt hơn, giỏi hơn những thứ thiết thân nhất với mình, tập nhìn đất nước mình bằng đôi mắt thấu hiểu và yêu thương hơn.
Anh cứ nhớ mãi một bài viết trên mạng rất được cộng đồng du học sinh yêu thích vì thông điệp: “Cứ ở nhà và thương Việt Nam cho hết!”. Vì chỉ khi hiểu thật rõ và yêu thật say quê hương của mình, người ta mới có thể nhận ra và học được những điểm mới, những điểm đáng học hỏi nhất ở những vùng đất khác. Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai - tác giả cuốn sách Tôi là một con lừa, người đã từng đi qua 80 quốc gia và hiện đang giảng dạy tại trường ĐH Amsterdam Hà Lan - chia sẻ: “Càng đi nhiều lại càng ít chê nước mình nhiều”.
Ngạn ngữ có câu: "Life is a journey, not a destination" (Cuộc sống là một hành trình, không phải là một điểm đến). Hành trình đó xa hay gần, nông hay sâu, thật ra không hề phụ thuộc vào khoảng cách địa lý hay ngôn ngữ, đó là hành trình của lòng khao khát học hỏi và trái tim rộng mở. Em hãy cứ vui, cứ sống hết mình cho ngày hôm nay, cho những gì mình đang có, cho mảnh đất mình đang đứng ngồi, để rồi mai này, khi em thật sự tung cánh ra đi, anh chắc rằng em sẽ bay thật vững, thật xa đấy, cô bé!