Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội
HHT - Sống trong thời đại công nghệ, bạn đã biết “tối đa hoá” quyền lực sẵn có trong tay để trở thành netizen thông minh?

“Vũ khí” vô hình của thời đại 4.0

Không thể phủ nhận rằng, mạng xã hội (MXH) là thứ “vũ khí tối thượng” của cuộc chiến thông tin trong thời đại công nghệ. Theo thống kê của tổ chức Pew Research Center về mảng Báo Chí Truyền Thông, trong năm 2018 vừa qua, hơn 2/3 dân số nước Mỹ tiếp cận thông tin thông qua các trang MXH. Trong đó, lượt tiếp cận thông tin từ Facebook là cao nhất (43%), sau đó là các trang Youtube (21%), Twitter (12%), Instagram (8%)...  

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội ảnh 1

Cho rằng MXH không khác gì bản tin thời sự phiên bản “nhanh - gọn - lẹ”, bạn Minh Phương (18 tuổi, du học sinh Mỹ) chia sẻ: “Đi du học gần được một năm, mặc dù xa nhà cả ngàn cây số, thế nhưng chỉ cần mở Facebook lên là tớ biết được ngay sự kiện gì đang “sốt dẻo” ở nhà”.

Vốn được “thiết kế” để “mang thế giới sát lại gần bên nhau” (Bring the world closer together – câu slogan được Facebook gắn hẳn trên tường nhà), MXH dường như đã thành công khi “bắn phát súng” tiên phong khuyến khích từng cá nhân cất lên tiếng nói riêng, suy nghĩ riêng và cả những trải nghiệm riêng. Chẳng cần “tốt nghiệp” khoá học Báo chí, thế nhưng ai trong số chúng ta cũng có thể là “nhà báo”, chia sẻ thông tin với nút “đăng tải bài viết”.

Mới đây, sau khi quốc gia Brunei ban hành bộ luật “ném đá người đồng tính đến chết”, Ellen Degeneres (“chủ toạ” The Ellen Show lừng danh) đã đăng tải bài post trên Twitter với nội dung kêu gọi mọi người tẩy chay các khách sạn thuộc sở hữu của vương quốc Brunei nhằm tạo nên làn sóng “lấy lại công bằng” cho cộng đồng LGBT.

Cho rằng tính năng đánh giá dịch vụ cũng là một “quyền lực” trong thời đại số, bạn Nhi Lê (trường ĐH Fulbright Việt Nam) kể: “Dù chỉ là một chuyến “xe ôm công nghệ”, một đêm nghỉ chân ở homestay hay một bữa ăn dân dã ở quán lề đường,  thế nhưng tớ vẫn được đánh giá tài xế, phòng ốc và thức ăn trên thang điểm 5 sao và để lại những dòng “rì viu” chân thật nhất!”.

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội ảnh 2

“Vũ khí” quyền năng bỗng trở thành “biến” căng 

Chẳng cần tuôn máu hay đổ mồ hôi, cuộc chiến trên MXH vẫn luôn là cuộc chiến dữ dội và không có có hồi kết! Điển hình như vụ việc xảy ra “lùm xùm” giữa Youtuber Khoa Pug và resort Aroma Mũi Né-Phan Thiết. Kể từ khi video được đăng tải, cộng đồng mạng đã cùng nhau đánh giá resort Aroma một sao nhằm thể hiện sự bức xúc, dù cho họ không phải là người trải nghiệm thực tế. Trên Google, resort này đã nhận hơn 3.600 lượt đánh giá một sao và lập tức “tụt dốc” 1.2/5.

Tuy nhiên, trong cơn giận dữ, những người dùng mạng khao khát thể hiện quyền lực của mình trút những trận mưa 1 sao lên những khách sạn, khu nghỉ dưỡng “vô tội” nhưng xui xẻo có cái tên “na ná”. Cụ tỉ, các khu nghỉ dưỡng như Aroma Nha Trang Boutique Hotel, Anantara Mui Ne Resort, Romana Resort & Spa Phan Thiet... đều trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, gánh chịu thiệt hại không thể vãn hồi.

Sau khi đăng status nêu quan điểm riêng của mình trước video “đối đầu” giữa Khoa Pug và Aroma, streamer Pew Pew cũng nhận rất nhiều gạch đá và hàng loạt... đánh giá một sao trên trang fanpage cũng như cửa hàng bánh mì của mình.

Hẳn bạn còn nhớ khi những viên đá vạn năng rơi vào tay “nhân vật phản diện” Thanos, một nửa thế giới bỗng tan biến chỉ với một cái búng tay! Với MXH - quyền năng nằm trong mỗi cú click chuột của người dùng mạng! Nếu như không sử dụng quyền năng của mình đúng cách, chúng ta sẽ góp phần thổi bùng những sai lầm.

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội ảnh 3

“Tối ưu hoá” quyền lực sẵn có trong tay 

Phải thừa nhận rằng chỉ cần kết nối Internet, chúng ta bỗng trở nên “quyền lực” hơn hẳn: Từ việc tiếp cận đến nguồn thông tin “không biên giới” cho đến việc chủ động cất tiếng nói riêng. Thế nhưng, hãy “tối ưu hoá” quyền lực “trời cho” ấy để trở thành netizen thông minh!

Đừng để ngôn từ “giật dây” cảm xúc!

Bạn Nhật Minh (17 tuổi, trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) chia sẻ: “Có những ngày Facebook của tớ chỉ toàn hiện những bài đăng trong các group kín Hội khẩu nghiệp, Góc thị phi… Khắp màn hình điện thoại là những dòng “vạch mặt” “con giáp thứ 13” (người thứ ba), “bóc phốt” từ người này đến chị kia. Thoạt đầu, tớ đọc cũng thấy “cuốn” thật đấy. Nhưng càng ngày, tớ chẳng thấy gì ngoài một bầu trời tiêu cực!”.

Theo nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ), MXH là một trong những yếu tố “điều khiển” cảm xúc người dùng. Chúng ta vui hay buồn, tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào các bài đăng hiển thị trên news feed (màn hình trang chủ).

Chính vì thế, khi đứng trước bất kì một thông tin nào đó, hãy tiếp cận với một tâm thế khách quan nhất bằng cách thuộc lòng công thức: SỐ TÍNH TỪ TĂNG = TÍNH KHÁCH QUAN GIẢM (Theo Cẩm nang dành cho Độc giả thông minh). Những bài viết có nhiều tính từ như: “Chị lễ tân HUNG HĂNG, HÙNG HỔ” sẽ không khách quan bằng: “Chị lễ tân gọi anh bảo vệ” đâu nhé! Đừng để hình ảnh và ngôn từ “khống chế” cảm xúc của bạn.

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội ảnh 4

Tiếp cận vấn đề từ nhiều phía

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng cần được nhìn nhận đa chiều. Chẳng hạn như, trong vụ việc resort Aroma, sau khi xem video của Khoa Pug, bạn đã bao giờ vào đọc review của những vị khách khác hay chưa?

Ở các đất nước tiên tiến, không chỉ có khách hàng mới có quyền đánh giá dịch vụ, mà cả đơn vị cung cấp dịch vụ cũng có thể “chấm điểm” khách hàng. Bạn Uyên Linh (du học sinh trường University of Iowa) kể: “Trong chuyến đi LA, bọn mình có thuê phòng qua ứng dụng Airbnb. Vài ngày sau khi trả phòng, tớ mới “tá hoả” vì chủ nhà cũng có thể “chấm điểm” tớ dựa trên thái độ và sự ngăn nắp trong những ngày “dừng chân” tại căn hộ ở LA nữa chứ. Sau này phần đánh giá đó sẽ đi theo tớ mãi mãi và là “tiền đề” để những host (chủ nhà) khác xem xét xem có cho tớ thuê hay không đó!”. 

Hãy bình luận, thay vì “bình loạn”

Phải nói rằng, bình luận là một trong những tính năng thành công trên MXH. Đó là nơi giúp chúng ta để lại những lời chúc mừng, động viên chân thành hay thậm chí là chia sẻ những góc nhìn mới và thú vị. Theo doanh nhân về lĩnh vực online influencer – John Rampton, những yếu tố dưới đây sẽ làm nên một bình luận “chuẩn không cần chỉnh”:

Hãy là netizen thông minh, đừng vội làm “thẩm phán” trên mạng xã hội ảnh 5

- Không bao giờ bình luật ngắn gọn và không có ý nghĩa: Nếu bạn là người hay “comment dạo” những từ khoá tiêu cực như “Xàm thế!” hay “Vớ vẩn” thì hãy thay đổi ngay và luôn nhé!

- Thêm vào những trải nghiệm cá nhân: Nếu như bạn đã có kinh nghiệm với chủ đề đấy, hãy chia sẻ thêm. Cụ tỉ, nếu bạn đã từng du lịch ở A., hãy viết comment kể về trải nghiệm ấy. Đó chắc chắn sẽ là comment giá trị!

- Hãy đánh giá, đừng ganh ghét: Mọi bình luận đều mang những ý kiến cá nhân. Và đã là ý kiến cá nhân thì phải được tôn trọng. Chính vì vậy, hãy bình luận nhằm đóng góp ý kiến, thay vì phân bua thắng thua, bạn nhé!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm