Trung Quốc vốn nổi tiếng với gaokao - kỳ thi khắc nghiệt bậc nhất thế giới. Đây là gánh nặng mà mỗi đứa trẻ nước này phải mang trên mình từ nhỏ, thậm chí trước khi vào tiểu học.
Câu chuyện học hành của học sinh Trung Quốc từng gây chấn động thế giới khi hãng Reuters đăng ảnh thí sinh nằm viện, thở bình oxy nhưng vẫn không thể tạm nghỉ học.
Thông thường, học sinh Trung Quốc dành 13,8 tiếng mỗi tuần để làm bài tập về nhà bên cạnh lịch học thêm dày đặc. Để theo kịp việc học, họ phải thức đến khoảng 2h sáng.
Áp lực học tập đối với học sinh Hàn Quốc cũng nặng nề không kém khi họ phải cạnh tranh trong kỳ thi đại học Suneung khốc liệt để giành suất vào các trường đại học hàng đầu.
Hầu hết học sinh xứ kim chi dành 12 năm để chuẩn bị cho “cuộc chiến sinh tử” này. Việc học ở trường kéo dài từ 7h30 đến 17h. Họ còn phải học thêm đến gần nửa đêm.
Việc học căng thẳng, phải ganh đua với bạn bè khiến trường học trở thành địa ngục, trẻ em trưởng thành trong cô độc, nhiều em mắc chứng trầm cảm. Không ít người trẻ Hàn Quốc chọn cái chết để giải thoát.
Học sinh Ấn Độ cũng phải chịu áp lực học tập rất nặng nề. Hơn 50% học sinh lớp 12 nước này thừa nhận các em có ít nhất 3 gia sư kèm cặp việc học, chưa kể lượng bài tập khổng lồ từ việc học ở trường.
Áp lực học tập đến từ sức ép phải thi tốt để có thể vào đại học, đặc biệt khi các bang hoặc các trường tổ chức thi riêng. Ngoài ra, sức ép học hành còn đến từ phương pháp học thuộc lòng được áp dụng rộng rãi tại các trường học ở Ấn Độ.
Theo India Times, 12% trẻ từ 4 đến 16 tuổi nước này bị rối loạn tinh thần, 20% có biểu hiện rối loạn tâm thần. Cứ mỗi 55 phút, Ấn Độ lại có một học sinh tự tử vì áp lực học tập.
Những năm qua, chính phủ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đưa ra nhiều giải pháp những quy định giờ đóng cửa cho các trung tâm dạy thêm, yêu cầu trường và gia đình cam kết cho trẻ ngủ đủ giờ để giảm bớt áp lực lên học sinh. Tuy nhiên, chúng không mấy hiệu quả khi cuộc đua vào đại học vẫn còn khốc liệt.