Sau lần lọc ảo thứ 5, TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, trường đã cơ bản nhận định được điểm chuẩn trong năm 2023. Theo dự báo, một số ngành "hot" dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng so với năm nay của nhiều ngành rất cao, trong đó có trường tăng từ 1,5 - 2 điểm. Dự kiến, nhiều ngành của trường có điểm chuẩn trên 26, thậm chí trên 27 do năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng đột biến.
Những ngành sẽ có điểm chuẩn trên 26 như: Công nghệ ô tô, Cơ điện tử, Rô bốt và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Điều khiển tự động hoá, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Kỹ thuật dữ liệu, Kinh doanh quốc tế. Riêng ngành Sư phạm Tiếng Anh dự kiến điểm chuẩn sẽ trên 27.
Tuy nhiên, có một số ngành điểm chuẩn sẽ chỉ dao động từ 19 đến 22 như: Công nghệ kỹ thuật in, Kỹ thuật vật liệu, Môi trường, Kỹ thuật công nghiệp.
Theo ông Thưởng điểm chuẩn của trường năm nay tăng vì số lượng thí sinh và nguyện vọng đăng ký đều tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó, tổng nguyện vọng đăng ký năm nay là 70.000, trong khi năm 2022 chỉ gần 40.000.
Số lượng nguyện vọng 1 năm nay hơn 14.000 còn năm 2022 khoảng 8.000. Số thí sinh đăng ký năm nay 40.000 thí sinh trong khi năm ngoái chỉ 20.000 thí sinh. Trước đó, nhà trường công bố điểm chuẩn học bạ đã cao hơn năm ngoái vì vậy điểm chuẩn xét tuyển từ thi tốt nghiệp sẽ tăng lên.
"Có nhiều ngành sẽ tăng 0,5 đến 1 điểm so với năm 2022 nhưng cũng có những ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 4-5 điểm như Kỹ thuật công nghiệp. Chắc chắn năm nay sẽ có nhiều ngành điểm chuẩn trên 26." - Ông Thưởng cho biết.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho hay, nhà trường đã xác định sơ bộ điểm chuẩn ban đầu của các ngành. Dự kiến điểm chuẩn cao nhất ở mức 26 điểm thuộc về ngành Kinh doanh quốc tế. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn xét từ điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cao nhất.
Trong khi đó, điểm chuẩn ngành thấp nhất theo chương trình đại trà là 19, bằng với điểm sàn trường đưa ra trước đó. Đây là những ngành khó tuyển sinh hiện nay.
Cũng theo ông Nhân, sẽ có nhiều ngành có điểm chuẩn ở mức từ 23 đến 25 điểm. Cụ thể như các ngành Công nghệ thông tin, Tự động hoá, Nhóm ngành Kinh doanh quản lý. Ở 3 lần lọc ảo tiếp theo, trường sẽ tinh chỉnh để điểm chuẩn sát với chỉ tiêu tuyển sinh.
Tại Trường ĐH Công Thương, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - cho biết, sau 5 lần lọc ảo, điểm chuẩn dự kiến sẽ giảm nhẹ.
"Ngành Marketing là cao nhất khoảng 22,5 điểm, các ngành khác như Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử,..... khoảng 21 điểm. Các ngành khác dao động trong khoảng 16 - 20 điểm", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nguyên nhân của việc điểm chuẩn dự kiến giảm là do chỉ tiêu năm nay tăng khoảng 2.000 so với năm trước. Năm nay, Trường ĐH Công Thương ghi nhận tổng 32.931 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó nguyện vọng 1, 2, 3 khoảng 15.000 thí sinh. Đối với các ngành Công nghệ thông tin, Marketing, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm..., mỗi ngành có khoảng 2.000 nguyện vọng đăng ký.
Ở những ngành khác, số lượng nguyện vọng khoảng 200-800 nguyện vọng. Ngành Kỹ thuật môi trường và ngành Công nghệ thủy sản có ít nguyện vọng nhất, khoảng 140 nguyện vọng.
Năm ngoái, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của trường từ 16 đến 24. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Theo lịch mới của Bộ GD&ĐT, trước 17h ngày 24/8, các trường thực hiện rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1. Như vậy, các trường có thêm 4 ngày để chốt điểm chuẩn.