Có 2 phân đoạn mà người đánh giá là đáng để "phong thần" (trên cả mức xuất sắc) của Khánh Dư Niên 2 trong 1/3 chặng đầu tiên. Đó là cuộc nói chuyện của Phạm Nhàn (Trương Nhược Quân) với Đặng Tử Việt (Dư Ngai Lỗi) và trường đoạn lên triều lần đầu của Phạm Nhàn.
Cảnh đối diễn nằm ở tập 9, đó là lúc Phạm Nhàn quyết định "vạch trần" Đặng Tử Việt - một người từng cương trực, ngay thẳng vì thời thế mà trở thành kẻ luồn cúi, nhưng vẫn cố giữ lại ranh giới lương tâm mỏng manh nhất. Từng câu thoại của Phạm Nhàn đều hay, lần lượt đánh qua từng lớp phòng bị của Đặng Tử Việt, là hỏi nhưng soi thấu tâm can của y, thuyết phục y quy phục mình.
"Chịu thua, ta đã chịu thua từ lâu rồi", cách Đặng Tử Việt đáp lại chất vấn của Phạm Nhàn cứa tim người xem. Đặng chủ hộ từng liều mình vì công lý, nhưng vì thấp cổ bé họng, kêu gào chẳng ai thấu mà bị chèn ép tới mức trở nên hèn mọn. Không chỉ là đối diễn của Trương Nhược Quân và Dư Ngai Lỗi chân thực, cảm xúc và xuất sắc tới mức lay động trái tim khán giả, mà cách đạo diễn, biên kịch tỉ mỉ xây dựng lời thoại và hành động của nhân vật cũng cực hay.
Đặng Tử Việt sợ hãi quỳ xuống, Phạm Nhàn cũng quỳ. Vì trong mắt chàng, không có vai vế, con người bình đẳng. "Tính cách này của ta, leo tới địa vị này ở Kinh đô, là dựa vào đâu? Không liên quan tới đa mưu túc trí. Là vì ta có chỗ dựa", "Tính cách này của ta ở Kinh đô, nếu không có trưởng bối chống lưng thì không sống quá 3 ngày", những câu nói này của Phạm Nhàn vừa thực tế vừa chứng minh được tầm nhìn và sự tự ý về bản thân của mình.
Và rồi, kết lại cuộc nói chuyện này là "Thử nâng giới hạn của mình lên một chút, đừng sợ gây họa, ta bao che giúp ngươi", câu nói này cho thấy rõ nhất bước trưởng thành nữa của Phạm Nhàn. Tiểu Phạm đại nhân là thiếu niên tài hoa, vô tư, phóng khoáng, từ có chỗ dựa, nay đã cứng cỏi hơn, túc trí đa mưu hơn, đủ để trở thành chỗ dựa cho người khác.
Cảnh đáng "phong thần" tiếp là là trường đoạn thiết triều đầu tiên của Phạm Nhàn, nằm ở tập 10. Chàng cố ý chọc tức Đô sát viện điều tra mình tham ô, để thuận theo đó buộc Đô sát viện phải điều tra tới những người có liên quan tới vụ tham nhũng của Nhị hoàng tử. Ngoài tình tiết căng thẳng, đấu trí giữa các bên, thì lời thoại với ý nghĩa ẩn sâu trong câu chữ cũng là điểm hay của trường đoạn này.
Tần tướng, Trần Bình Bình, Lâm tể tướng đều chọn đứng về phe Phạm Nhàn, nhưng tuyệt nhiên không ai nói thẳng, mà vẫn khiến mọi người hiểu được điều đó. Câu thoại tưởng như chỉ làm vẹn nghĩa bề tôi của Lâm tể tưởng nhưng ẩn sâu trong đó là đe dọa Khánh đế: "Bệ hạ là vua của vạn vật, không có gì là không được xem, chỉ là thần thống lĩnh lục bộ, có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng với bệ hạ. Nếu làm phiền bệ hạ, chỉ sợ là lục bộ lơ là, pháp lệnh không rõ". Có thể hiểu đại ý của Lâm tể tướng chính là ta đứng đầu bá quan, bệ hạ nên suy xét sự việc của Phạm Nhàn cho cẩn thận, nếu không, ông không ngại thao túng cả triều cương lục bộ, lật đổ người.
Khánh đế nhìn ra ý tứ thâm sâu của Lâm tể tướng, biết được những người phe Thái tử lên tiếng ủng hộ Đô sát viện trên triều là do Lâm tể tướng sai bảo, nên đã bắt đầu nhằm vào ông. Còn Lâm tể tướng, ông biết mình đã lộ rõ việc quá phận bề tôi, tiên lượng được một ngày sẽ bị Khánh đế diệt trừ, mới nói với Phạm Nhàn hãy cử hành hôn lễ nhanh trước khi ông chết (dù thực tế ông rất khỏe mạnh).
Có thể những tập đầu, Khánh Dư Niên 2 có diễn biến khá loãng, nhưng càng về sau, thiết lập nhân vật và tình tiết ngày một dồn dập, chặt chẽ hơn. Quá trình Phạm Nhàn lật đổ Nhị hoàng tử đang đến hồi cao trào. Mỗi tập phim đều có những điểm sáng được người xem bàn luận, càng mổ xẻ càng thấy thỏa mãn, thú vị.