Không còn tuyết ở Alaska
Nghe có vẻ thật lạ nhưng đó lại là sự thật đang diễn ra ở đảo Barter ở đảo Alaska. Theo nữ nhiếp ảnh gia Patty Waymire kể với tờ Huffington Post, với mong muốn chụp lại hình ảnh những loài Bắc Cực trong môi trường tự nhiên, ngay từ tháng 9 cô đã lặn lội đến hòn đảo này. Thế nhưng bất ngờ thay, vùng đất vốn xưa nay lạnh giá này lại chẳng hề có tuyết.
![]() |
Ý tưởng về bức ảnh "Không băng, không tuyết" này đến với Patty khi cô bắt gặp một chú gấu tuyết đang trầm tư.
Biển băng Bắc Cực là một nơi được các nhà khoa học gọi là "cái nôi" của sự sống đối với những loài gấu tuyết này. Thế nhưng, dưới tác hại của hiện tượng nóng lên toàn cầu, chúng đang tan dần đi. Theo một nghiên cứu vừa được công bố mới đây, từ năm 1979 đến năm 2014, khoảng thời gian băng tan vào mùa Xuân và hình thành vào mùa Thu đang tăng lên gấp 3 đến 9 lần. Điều đó đồng nghĩa với việc gấu Bắc Cực có ít thời gian đi săn hải cẩu hơn, một phần thiết yếu trong chế độ ăn để cung cấp đủ lương chất béo dự trữ khi băng tan và khi ngủ đông. Tại vùng biển Beaufort nơi Patty chụp hình, việc mất đi lớp băng càng ảnh hưởng mạnh đến tỷ lệ sống sót của các loài gấu Bắc Cực vì trong những năm gần đây sự thiếu băng tuyết diễn ra thường xuyên ở vùng đất này.
![]() |
Hai chú gấu tuyết nằm trên một khoảng đất toàn là cát.
Rung động trước hình ảnh hoang sơ của một vùng từng băng tuyết, thay vì mục đích chụp tuyết lúc đầu, Patty đã chụp những chú gấu đang ngồi trên một khoảng đất nhỏ hoặc đang bơi lội trên biển Beautfort. Bức ảnh "Không băng, không tuyết" đã ghi lại hình ảnh một chú gấu cô độc đang nhìn xuống mặt nước. Bức ảnh này đã giành giải thưởng danh dự trong cuộc thi nhiếp ảnh do tờ National Geographic tổ chức và được khen ngợi miêu tả sâu sắc tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. "Tôi bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của Bắc Cực và sợ hãi trước viễn cảnh loài người đang dần huỷ hoại môi trường sống của họ" - Patty chia sẻ.
![]() |
Nếu tình hình còn tiếp diễn, liệu chúng ta còn có thể nhìn thấy hình ảnh này trong bao lâu?
Nàng tiên cá và những chiếc chai nhựa
Với hàng ngàn loài sinh vật sinh sống, việc ô nhiễm môi trường biển sẽ trở thành một thảm hoạ đối với toàn cầu nếu nó tiếp tục diễn ra. Vì thế mà nhiếp ảnh gia Benjamin Von Wong và các đồng nghiệp đã chung tay làm nên bộ ảnh Mermaids Hate Platics (Tạm dịch: Người cá không thích Nhựa) nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc xử lí rác thải và bảo vệ môi trường.
![]() |
![]() |
Benjamin tính toán trung bình mỗi năm một người sẽ sử dụng 167 chai nhựa. Cứ tưởng tượng con số ấy nhân với dân số của thế giới thì môi trường chúng ta sẽ bị đe doạ đến mức nào? Và còn thông điệp nào thể hiện rõ ràng hiểm họa ấy hơn hình ảnh một đại dương phủ đầy chai nhựa mà người cá - đại diện cho cái đẹp của đại dương bị nhấn chìm?
![]() |
Có thể nói lượng chai nhựa mà chúng ta sử dụng mỗi ngày thải ra nhiều chất độc hơn mọi người có thể tưởng tượng. Nó còn gây ô nhiễm không nhỏ với cả bầu không khí chúng ta đang hít thở hằng ngày. Thật may mắn rằng không chỉ mỗi Benjamin nhận thức được hiểm hoạ gì đang xảy ra với môi trường mà còn vô vàn những tình nguyện viên khác. Trong vài ngày đã có hơn trăm người đến giúp Benjamin và các bạn của anh xử lí những vỏ chai thu được.
![]() |
"Thay đổi chỉ xảy đến khi chúng ta đoàn kết với nhau, chiến đấu vì điều chúng ta tin tưởng" - Benjamin chia sẻ. Có thể nói, dù môi trường đang bị đe doạ nghiêm trọng nhưng điều kì diệu sẽ đến nếu chúng ta tin rằng mình sẽ làm được. Đó là sức mạnh vĩnh cửu của con người. Một năm mới nữa sắp đến, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần mới cứu giúp môi trường vì mọi thứ chỉ cần chung tay đều có thể.
QUỲNH DAO