Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM đã tăng vọt, vậy bạn đã bắt đầu ngó các đề thi mẫu chưa? Nếu bạn ngao ngán vì thi gì cũng kèm tiếng Anh thì thay vì ngồi lo lắng, hãy chuẩn bị chiến lược làm bài thôi!
Trong bài thi Đánh giá năng lực cũng như nhiều bài thi tiếng Anh ở THPT, bạn gần như luôn gặp dạng bài tìm lỗi sai trong câu. Không sao, cứ áp dụng 4 bước sau đây khi làm dạng bài này để “gom điểm” nhé bạn!
1. Đọc toàn bộ câu
Việc đọc hết cả câu cũng không lấy của bạn nhiều thời gian lắm đâu.
Nhìn một câu tiếng Anh dài thì bạn có thể thấy hơi ngại, nhưng nhớ là cần đọc hết cả câu đã nhé. Nhiều bạn có thói quen chỉ nhìn đúng những phần gạch chân A-B-C-D thôi, nhưng nếu không đặt trong cả câu thì làm sao bạn biết là phần nào sai? Ngoài ra, bạn mới đọc đến chỗ A thì đã thấy “có vẻ” lỗi rồi, nhưng cũng đừng dừng ngay ở đó, mà tiếp tục đọc hết câu xem sao, tránh bị “bẫy”.
2. Tự giải thích lỗi sai
Nếu bạn chọn được một chỗ gạch chân là sai rồi, hãy tự nghĩ xem tại sao nó là sai. Khi bạn giải thích được lý do, tức là bạn thực sự hiểu và chắc chắn rằng “mình chọn nó sai tức là mình đúng!”. Đi thi không nên tin vào cảm giác, theo kiểu “thấy nó lạ lạ, thấy nó có gì đó sai sai”.
3. Nếu không thấy chỗ nào sai thì sao?
Trừ phi có lựa chọn "Không có lỗi" (No error), nếu không thì chắc chắn có lỗi nào đó.
Trừ phi đề bài có nói rằng sẽ có câu hoàn toàn đúng, không hề có lỗi, chứ nếu không thì trong vài chỗ gạch chân, chắc chắn phải có một chỗ sai. Nếu bạn chưa tìm ra chỗ sai đó thì tức là… bạn sai (huhu!). Cách làm lúc này là kiểm tra từng chỗ gạch chân một và vận dụng toàn bộ kiến thức để xử lý. Có hai vấn đề mà bạn cần check trước tiên vì rất hay được “gài” lỗi:
- Thời của động từ và cách chia động từ (theo chủ ngữ).
- Đại từ quan hệ.
Chẳng hạn, trong một đề thi mẫu năm 2020, có câu: “France, where is a very beautiful country, has many tourist attractions”. Đại từ quan hệ where ở đây là không hợp lý rồi đó! Đến cả các kỳ thi ở nước ngoài cũng hay “bẫy” bằng đại từ quan hệ đó bạn!
Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra việc dùng tính từ/trạng từ có đúng không, danh từ số ít hay nhiều là phù hợp…
4. Kiểm tra những chỗ gạch chân khác
Kiểm tra lại cả những chỗ mà bạn không lựa chọn, để chắc chắn rằng chúng không sai nhé.
Sau khi làm qua 3 bước trên, bạn vẫn nên kiểm tra lại những chỗ gạch chân mà bạn cho là không sai, để chắc chắn rằng chúng… thực sự không sai. Đừng vội vã “túm” được một chỗ sai mà bỏ qua những chỗ gạch chân khác nha!