Mượn danh Phật pháp để truyền bá mê tín dị đoan
Thời gian trước, clip một buổi nói chuyện của cô Phạm Thị Yến (SN 1970, Quảng Ninh) tại chùa Ba Vàng trước cả ngàn bạn trẻ về việc chữa đồng tính nữ bằng cách… ngắm trai được chia sẻ trên Facebook đã khiến dư luận vô cùng bất bình, phẫn nộ. Cô này cũng giải thích “đồng tính nữ” là do trong kiếp trước hai người “phát nguyện” yêu nhau đời đời kiếp kiếp nên khi trong kiếp này người nam “đầu thai” thành nữ thì hai người vẫn phải tiếp tục yêu nhau. Cô này đề ra giải pháp là các bạn nữ “tăng trưởng cái sự ngắm người nam” để thay đổi được “nghiệp” (đồng tính) và đừng hứa hẹn yêu nhau đời đời kiếp kiếp kẻo kiếp sau trở thành người đồng tính.
Chưa hết, trong một phóng sự do báo Lao Động thực hiện có cảnh “cô Yến” truyền bá trước hàng trăm người rằng nguyên nhân thực sự khiến nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị cưỡng hiếp rồi sát hại là do “ác nghiệp” trong tiền kiếp mà ra. “Bạn ấy trong tiền kiếp có hai loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ hai là bạn ấy đã xâm phạm về mặt thân thể trinh tiết của người khác. Nên bạn ấy bị hãm hiếp cũng là do quả báo”.
Điều khó hiểu ở chỗ, người thỉnh giảng xuất hiện trong clip hầu hết đều là những bạn trẻ tuổi vị thành niên, có trong tay các công cụ để tiếp cận kiến thức khoa học, nhưng vẫn ngồi ngoan ngoãn lắng nghe, thậm chí vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình theo lời giảng của người phụ nữ nọ.
Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn cả là “cô Yến” cùng những người “đồng môn” lợi dụng niềm tin của người dân để thu tiền. Mỗi “quả báo” được những người này chỉ ra tương ứng với một khoản tiền nhất định cần “công đức” để hóa giải nghiệp ác. Theo đó, “đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng. Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng…”
“Chưa nói đến việc truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan nhưng việc quy đổi oán nghiệp ra tiền như bảng giá thế kia mình đã thấy không ổn rồi. Đức Phật tại tâm, nếu cứ dùng tiền là hóa giải vận xui thì vấn đề dù nghiêm trọng tới đâu cũng có thể giải quyết được bằng tiền?” - bạn Lê Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Cảnh giác với “tà giáo”
Tín ngưỡng là văn hóa tâm linh tốt đẹp giúp con người ta sống hướng thiện, đạo đức trong sáng và biết thương yêu nhau. Bởi vậy mà không chỉ các bà, các mẹ tuổi trung niên mà teen mình ngày càng có hứng thú hơn với những hoạt động vừa mang tính tâm linh, vừa có giá trị đạo đức như khóa tu mùa Hè, khóa tu sinh viên, khóa thiền tổ chức tại các thiền viện, chùa chiền trên cả nước.
Lợi dụng lòng yêu thích và hướng thiện đó mà nhiều tổ chức, cá nhân đã bóp méo, làm biến tướng các khóa học tu dưỡng.
“Quê mình ở Quảng Ninh nên cũng nhiều lần tham dự các hoạt động ở chùa Ba Vàng. Nhưng khi xem clip cô Yến giảng giáo lý, mình thấy nhiều điểm phi lý và cách nói của cô là không nên. Bây giờ xã hội phát triển, thời đại 4.0 và nhiều nơi trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính rồi, nên dù có lý giải theo tâm linh đi nữa thì việc cho rằng đồng tính là do nghiệp kiếp trước cũng không hay chút nào!” - bạn Tuấn Minh (Quảng Ninh) chia sẻ.
Nhận biết đâu là tôn giáo tín ngưỡng chân chính, hướng con người tới cái thiện và mê tín dị đoan không dễ, nhất là đối với teen mình còn non nớt chưa có nhiều vốn sống. “Bạn bè mình nhiều người cứ hay đi xem bói, nghe thầy phán có “điềm xui” hay thi cử sắp tới không thuận là thi nhau dâng tiền mua lễ, giải hạn các kiểu. Thế rồi mải chuẩn bị làm lễ, cầu cúng mà bỏ quên bài vở luôn, không ôn tập nên cuối cùng kết quả kém vẫn hoàn kém!” - bạn Vũ Oanh (Điện Biên) kể.
Là một bạn trẻ có nhiều năm tham gia các khóa tu ngắn và dài hạn tại nhiều ngôi chùa ở TP.HCM, bạn Hữu Nhân cho rằng chỉ cần bạn vững tâm và tìm hiểu thông tin kỹ càng thì không khó để phân biệt giữa các hoạt động tín ngưỡng trong sáng với mê tín dị đoan, cũng như lựa chọn cho mình một khóa học thật bổ ích để trải nghiệm. “Mình nghĩ không nên để con sâu làm rầu nồi canh, chỉ vì trường hợp này mà nghĩ rằng các lớp học ở chùa đều rao giảng những điều phi nhân văn, phản khoa học. Cá nhân mình sau mỗi khóa tu không chỉ kết thêm bạn mới khắp nơi mà còn học được cách kết nối với mọi người, biết lắng nghe và chia sẻ nữa”.
Trí có sáng thì tâm mới an. Chủ động trang bị kiến thức về khoa học và tôn giáo từ sách của các tác giả và nhà xuất bản uy tín cũng như từ các nguồn tin cậy, tự tin hơn vào chính bản thân mình, teen sẽ vững tâm hơn và không trở thành nạn nhân của những trò mê tín. Nếu chúng ta không tự nỗ lực và cố gắng, thì chẳng ai hay tiền bạc nào có thể đem đến hạnh phúc, bình an hay may mắn, phải không nào?