Liên tục xảy ra động đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đáng lo không?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trận động đất mạnh ở Myanmar chỉ là một trong số nhiều trận động đất ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian gần đây. Đến hiện tại, địa chấn vẫn tiếp tục xảy ra. Tại sao lại liên tục có động đất như vậy, và điều này có đáng để lo lắng không?

Đã có hơn 3.600 người thiệt mạng do động đất ở Myanmar ngày 28/3. Ở Bangkok (Thái Lan), nơi cách tâm chấn hơn 1.000 km, cũng có rung chấn mạnh.

Vài ngày trước hôm có động đất ở Myanmar, động đất 6,7 độ đã xảy ra gần Đảo Nam (South Island) của New Zealand, theo Reuters.

Ngày 30/3, động đất 7,0 độ xảy ra ở gần bờ biển Tonga (phía Nam Thái Bình Dương).

Rồi động đất 6,0 độ đã xảy ra ở Kyushu (Nhật Bản) vào ngày 2/4.

Sáng 5/4, động đất 6,9 độ xảy ra gần Papua New Guinea (ở Tây Nam Thái Bình Dương), theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Ngày 9/4, động đất 5,8 độ xảy ra ở Đài Loan (Trung Quốc).

Sáng hôm qua, 13/4, Cơ quan Khí tượng Thái Lan (TMD) thông báo động đất 5,9 độ lại xảy ra ở Myanmar.

Đó là chưa kể hàng trăm trận động đất nhẹ hơn, bao gồm cả dư chấn của động đất ở Myanmar và các trận động đất riêng biệt, trong những ngày vừa qua.

Ngoài động đất 7,7 độ ở Myanmar hôm 28/3, những trận động đất khác không gây thiệt hại về người.

Liên tục xảy ra động đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đáng lo không? ảnh 1

Các nhân viên cứu hộ đang làm nhiệm vụ ở các tòa nhà bị sập sau trận động đất tại Mandalay (Myanmar). Ảnh: Jiang Chao/ Xinhua via AP.

Việc có hàng loạt trận động đất như vậy ở châu Á - Thái Bình Dương là có bình thường không, hay có đáng để lo lắng không?

Ông Brian Kennett, giáo sư danh dự về địa chấn học ở Trường Nghiên cứu Khoa học Trái Đất thuộc ĐH Quốc gia Australia giải thích với trang ABC rằng thực ra, động đất thường xảy ra theo từng đợt/ từng “chùm”, và những hoạt động địa chấn trong khu vực thường sẽ xảy ra suốt nhiều tháng chứ không chỉ là nhiều ngày. Tuy nhiên, ông Kennett nhận định hầu hết các trận động đất đã xảy ra vẫn đang trong mức độ bình thường, chỉ có trận động đất 7,7 độ ở Myanmar là khác biệt vì nó ở một cấp độ ít thấy hơn nhiều. Ông Kennett nói: “Những trận động đất đến 6 độ thì không đáng ngạc nhiên. Khi có động đất hơn 7 độ mới là đáng lo”.

Liên tục xảy ra động đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đáng lo không? ảnh 2

Công tác tìm kiếm, cứu hộ ở những tòa nhà sập do động đất là rất khó khăn, vì nhà có thể tiếp tục sập xuống. Ảnh: Myo Kyaw Soe/ Xinhua via AP.

Bà Dee Ninis, nhà nghiên cứu địa chất - động đất ở Trung tâm Nghiên cứu Địa chấn ở Melbourne (Australia), cũng cho rằng người dân ở châu Á - Thái Bình Dương không cần lo lắng, và việc có nhiều động đất xảy ra liên tục nhiều khi chỉ là ngẫu nhiên. Bà nói: “Trung bình, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18 trận động đất lớn - cường độ từ 7 đến 7,9. Hầu hết xảy ra tại hoặc gần các ranh giới mảng kiến tạo, tức là chính xác là những nơi có nhiều động đất ở châu Á - Thái Bình Dương trong vài tuần vừa qua. Nhưng những trận động đất này không “chia đều” trong bất kỳ khoảng thời gian nào, mà có xu hướng tập trung trong một khoảng thời gian vì tính ngẫu nhiên của chúng”.

Vậy ở nước ta thì sao?

Các nhà khoa học cho rằng ở nước ta có nhiều đới đứt gãy có thể gây động đất mạnh, đặc biệt tập trung ở khu vực phía Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, Việt Nam được cho là nơi có nguy cơ động đất ở mức trung bình chứ không cao, và sức tàn phá của động đất là thấp hơn so với những nơi gần ranh giới các mảng kiến tạo.

Liên tục xảy ra động đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đáng lo không? ảnh 3

Hình minh họa đơn giản về nguyên nhân gây động đất: Hai mảng kiến tạo trượt ngược hướng, "bung" năng lượng ra ở đới đứt gãy. Ảnh: Study.com.

Các nghiên cứu của thế giới cho đến hiện tại đều cho rằng không thể dự báo được động đất. Các nhà khoa học nói, có thể hiểu đơn giản rằng các đứt gãy cứ âm thầm tích tụ năng lượng, rồi áp suất trong lớp vỏ Trái Đất sẽ tìm một “điểm yếu” ở đâu đó để “bật” ra - nhưng rất khó có thể xác định được điểm đó ở đâu.

Vì vậy, mặc dù việc động đất liên tiếp xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương gần đây vẫn là trong giới hạn bình thường, nhưng tư duy phòng chống thiên tai, thảm họa là luôn cần có. Nên ngoài việc nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo động đất, mỗi quốc gia đều cần có những tiêu chuẩn về xây dựng nhà cửa, cầu đường để chống chịu được động đất - đây mới là điều cực kỳ quan trọng.

Liên tục xảy ra động đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đáng lo không? ảnh 7
MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Cách phát hiện những lời quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng và bổ sung không đáng tin

Cách phát hiện những lời quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng và bổ sung không đáng tin

HHT - Việc nhiều loại sữa giả bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian gần đây, cộng với một số loại thực phẩm bổ sung không như quảng cáo khiến người tiêu dùng lo ngại, vì những sản phẩm đó được nhiều người nổi tiếng quảng cáo, thậm chí một số bác sĩ còn khuyến khích bệnh nhân dùng. Vậy làm thế nào để lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng một cách thông minh?
Vật thể sáng bí ẩn bay lượn trên bầu trời Canada, chưa ai giải thích được

Vật thể sáng bí ẩn bay lượn trên bầu trời Canada, chưa ai giải thích được

HHT - Nhiều người dân ở Canada đã rất ngạc nhiên khi thấy trên bầu trời buổi tối xuất hiện một vật thể - tạm gọi là vật thể vì chưa ai biết nó là gì - bí ẩn, nhiều màu, làm sáng rực cả một khoảng trời. Vật thể này còn bay lượn, trong khi đó vẫn tỏa ra ánh sáng sặc sỡ. Đã có nhiều lời đồn đoán về vật thể này, bao gồm cả việc nó là đĩa bay của người hành tinh khác.