Lằn ranh giữa bay bổng và thực tế khắc nghiệt
Gần đây, Tom Ford đã trình làng bộ sưu tập cuối cùng của mình như một lời chia tay tới thương hiệu mang tên mình, kết thúc cho 13 năm rực rỡ trong làng thời trang. Chúng ta sẽ nhìn thấy con tàu Tom Ford chia ra thành nhiều phần dưới sự dẫn dắt của những nhà đầu tư lớn: Estèe Lauder sẽ tiếp quản mảng mỹ phẩm, Marcolin đảm trách mảng kính mắt và tập đoàn Zegna sẽ quản lý mảng thời trang. Nghe thì rất buồn nhưng cũng không phải là trường hợp đầu tiên con tàu vắng người sáng lập.
BST cuối của Tom Ford thiết kế kết thúc cho 13 năm rực rỡ trong làng thời trang. |
Tuy nhiên, những trường hợp vắng nhà thiết kế đa số là vì họ đã quá cố, việc ngừng chi phối nhà mốt của Tom Ford đã gợi lên sợi chỉ mong manh giữa thời trang sáng tạo bay bổng và việc kinh doanh thời trang thực tế đầy khắc nghiệt.
Việc điều hành một thương hiệu thời trang trở nên phức tạp hơn, những người sáng lập trong vài trường hợp đành từ bỏ quyền kiểm soát tên tuổi của chính mình. Họ phải đưa ra lựa chọn: Hoặc là chính mình hoặc cơ hội đi tiếp cho đứa con tinh thần của mình. Đứng trước thực tế nghiệt ngã này ngoài Tom Ford còn có Jil Sander, Thierry Mugler, John Galliano và thậm chí là Martin Margiela...
Các nhà mốt liệu có còn là dấu ấn thiết kế của các nhà sáng lập?
Trong thế giới thiết kế mà vốn chất riêng đã khiến một nhà mốt thành danh lại tiềm ẩn hai kết cục khác nhau: Hoặc trở thành kinh điển hoặc chịu sự đào thải của thời đại. Cho dù thương hiệu đã từng to lớn đến đâu cũng không thoát khỏi sự sàng lọc khắc nghiệt này của thời gian.
Nhiều nhà sáng lập đành nhìn đứa con tinh thần của mình đi qua một cuộc phục sinh cải tổ. Nhiều người chọn cách bảo vệ ý tưởng ban sơ bằng cách kết thúc thương hiệu của mình. Ví dụ Raf Simons đã quyết định đóng cửa thương hiệu của mình để tránh cái kết nhìn thương hiệu được "tái sinh" trong một hình hài nhìn không ra nữa.
Raf Simons đã quyết định đóng cửa thương hiệu của mình sau 27 năm tồn tại, quyết định đột ngột trước cạnh tranh khắc nghiệt của công nghiệp thời trang. |
Cho dù nhà thiết kế có chất riêng đến mấy cũng phải chịu nhìn thương hiệu của mình không còn theo ý mình nữa. Ngay cả vĩ đại như Karl Lagerfeld mà quan điểm thời trang của ông cũng phải nhường bước thời đại ở ngay chính thương hiệu mang tên mình.
Karl từng nói: "Quần bo gấu là biểu hiện của sự thất bại", trong khi thương hiệu của nhà thiết kế vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc quần bo gấu với tên ông được thêu lên đó.
Hay ví dụ như Helmut Lang - một trong những tên tuổi lớn nhất của ngành thời trang thế giới - năm 2004 đã quan niệm không sản xuất những mẫu quần áo in logo lên. Vậy mà hình ảnh thương hiệu của nhà mốt này trong tâm trí của thế hệ trẻ ngày nay lại khác hoàn toàn - chủ yếu là những chiếc áo hoodie và áo phông có in logo hãng.
Cho dù Karl Lagerfeld có đồng ý hay không thì quần bo gấu mà ông rất ghét sẽ vẫn xuất hiện ở nhà mốt mang tên ông. |
Đây là một thực tế rất rõ ràng của ngành công nghiệp thời trang. Lựa chọn phát triển bùng nổ và mang về tiền tài vinh quang tột đỉnh cũng là chấp nhận cuộc chơi đào thải có hạn sử dụng của thị trường.
Có NTK chấp nhận được luật chơi này, như Tom Ford đã từng là người vực dậy nhà Gucci có lẽ đã không còn lạ với chuyện sáng tạo và chuyện kinh doanh là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng cũng có những nhà thời trang vẫn giữ "gia truyền" như nhà Goyard với những chiếc túi xách thầm lặng cùng phương châm: "Người cần biết sẽ biết".