Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Trong đó phải kể đến Người lái đò sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Lặng lẽ Sa Pa, Việt Bắc, Bên kia sông Đuống, Đoàn thuyền đánh cá, Qua đèo Ngang, Đây thôn Vĩ Dạ, Đất rừng Phương Nam…
Cuốn Artbook gồm 35 đoạn trích nằm trong SGK chương trình phổ thông. Ảnh: Kim Đồng. |
35 đoạn trích đi kèm với 35 bức tranh do các hoạ sĩ đương đại sáng tác dành riêng cho cuốn Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương là 35 cuộc phiêu lưu dẫn lối chúng ta đi đến các miền đất trên khắp dải đất hình chữ S.
Qua văn chương, người đọc có dịp đặt chân tới những nơi chốn mình chưa từng tới, thưởng thức phong vị của nhiều vùng miền. Để rồi chìm đắm trong mùa Xuân đất Bắc trong lời văn của Vũ Bằng, cùng trôi trên một quãng sông Đà trong cảnh sắc buổi sớm, ngắm đàn hươu chậm rãi nếm búp cỏ gianh còn đẫm sương đêm qua câu từ của Nguyễn Tuân…
Chị Quỳnh Liên - biên soạn cuốn Những miền lưu dấu chia sẻ. Ảnh: T.Dương. |
Chị Quỳnh Liên - người biên soạn cuốn Những miền lưu dấu cho biết cuốn artbook ra đời từ mong muốn có một cuốn sách với các ngữ liệu trong sách giáo khoa nằm trong chương trình phổ thông giúp cho các bạn học sinh tiếp cận với những câu chuyện văn học theo một hướng mới. Khi tiếp cận văn học bằng một phương thức nghệ thuật khác là hội hoạ, các bạn học sinh sẽ có thêm nhiều khía cạnh để cảm thụ, từ khung cảnh, câu chuyện, bối cảnh, nhân vật… để từ đó cảm thấu tác phẩm gốc một cách trọn vẹn hơn.
Trong buổi ra mắt sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương, Tiến sĩ Ngữ Văn Nguyễn Thị Ngọc Minh nhận định: “Nếu đặt trong một văn bản truyện, thường học sinh sẽ chỉ đọc lướt qua. Nhưng khi đoạn trích được đặt trang trọng trong một trang sách, bên cạnh là một bức tranh sẽ thúc đẩy chúng ta đọc chậm, đọc kĩ. Khi được tách ra thành một tác phẩm độc lập thì ta đọc, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, để từ đó phát hiện ra những giá trị mới.”
Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh (áo dài đỏ) làm giám khảo cho phần game tương tác vẽ minh hoạ truyện "Đoàn thuyền đánh cá" của các bạn học sinh THCS Marie Curie. Ảnh: T.Dương. |
Đi qua lăng kính của gần 30 hoạ sĩ với sự đa dạng về phong cách, thủ pháp, chất liệu, cuốn artbook đã chuyển hoá ngôn ngữ của xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác. Với những bức tranh phong cảnh màu nước, arcylic, bột màu, sơn dầu, khắc gỗ, tranh kĩ thuật số… đã mang đến hơi thở của thời đại và chất riêng của mỗi tác giả.
Nếu như tranh của hoạ sĩ Quyên Thái mang đến cảnh sắc êm đềm trên đầm Đông Hồ thì hoạ sĩ Khang Lê lại khắc hoạ sự dịu dàng của Sài Gòn trong một chiều bảng lảng lá rơi. Ngoài ra, artbook còn có sự tham gia của họa sĩ Kim Duẩn, Tạ Huy Long, Lê Rin, Chu Hồng Tiến…
Cuốn artbook có thời gian biên soạn chỉ mất vài tháng, trong khi thời gian tập hợp các bản vẽ dành riêng cho sách mất tới hơn một năm. Ảnh: T.Dương. |
Với sự hài hòa của văn chương và hội hoạ, cuốn artbook Những miền lưu dấu đã tạo nên tấm bản đồ cảnh sắc quê hương Việt qua ngôn từ và tranh đầy rực rỡ và phong phú, để từ đó định hướng cho người đọc tư duy sâu hơn về tác phẩm, giúp giáo viên và học sinh có thêm tư liệu tiếp cận các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông.