Hạn chế tiếp xúc ánh nắng khi ra đường
Theo đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ, nhiệt độ vào vào khoảng thời điểm từ 12 giờ đến 14 giờ trong những ngày gần đây (4/5 - 7/5) thường dao động khoảng 35 đến 37 độ C. Thời gian này còn được các chuyên gia đánh giá là có cường độ tia UV mạnh nhất trong ngày, nếu tiếp xúc lâu sẽ gây tổn thương lớn đến tế bào da. Chính vì vậy, Gen Z cần “né” khung giờ “vàng” này, tránh các hoạt động ngoài trời.
Vào học lúc đầu giờ trưa 12h45, M.Hùng (Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết bạn thường lên trường bằng xe buýt từ buổi sáng và vào thư viện trường để ôn lại bài thay vì đợi đến giờ trưa mới đến trường. “Mẹo này vừa giúp mình tránh được cái nắng nóng buổi trưa mà lại vừa tránh được khung giờ cao điểm của xe buýt."
Minh Hùng luôn mang theo nước uống vào những ngày nắng nóng để kịp thời giải khát. |
Thà mồ hôi chảy hơn để nắng cháy đen da
Theo khuyến cáo của các bác sĩ da liễu, chỉ thoa kem chống nắng hay chỉ mặc áo khoác là chưa đủ để bảo vệ da khỏi tia UV từ ánh nắng Mặt Trời, nhất là trong thời điểm cường độ UV đạt đến đỉnh điểm. Bên cạnh đó, mỗi khung giờ sẽ có mức độ tia UV khác nhau, teen cũng cần chú ý thời gian để che chắn phù hợp.
WHO công bố thang đo về cường độ UV và những điều cần làm để bảo vệ cho sức khỏe. Theo đó, Việt Nam nằm trong khu vực dao động từ 10 đến 12, bắt buộc phải thoa kem chống nắng, mặc áo chống nắng và đội mũ nếu ra đường vào buổi trưa. |
Tuy nhiên, các biện pháp che nắng cũng cần hợp lý để đảm bảo an toàn trong việc tham gia giao thông. Đã có không ít vụ va chạm giữa các phương tiện giao thông xuất phát từ những món đồ che nắng của các "ninja lead". Chính vì vậy, cần hạn chế mặc đồ quá cồng kềnh, vướng víu gây ảnh hưởng để khả năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông hay không nên che quá nhiều lớp trên mặt để tránh gây hạn chế tầm nhìn khi lái xe dưới trời nắng.
Nắng trưa và những bài học nhớ đời
Phương Uyên (18 tuổi, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) đã có một bài học nhớ đời với trời nắng nóng. Trong một lần đi từ nhà đến trường vào giữa trưa vì có chuyện gấp, Uyên đã bỏ điện thoại vào cốp xe theo thói quen. Vì cần phải liên hệ với bạn nên giữa đường đi, cô bạn đã lấy điện thoại ra để sử dụng. Lúc này Uyên mới tá hỏa rằng chiếc điện thoại nóng đến bỏng tay và phát cả thông tin cảnh báo.
“Lúc đó mình cầm điện thoại lên và nó rất nóng, hiếm khi nào mình thấy nó nóng như vậy. Phần pin phồng lên thấy rõ và mình cảm nhận được sự khét của nó. Sau lần đó điện thoại mình hoạt động yếu hẳn đi trông thấy”, Uyên chia sẻ.
Không nên để các vật dụng dễ cháy, các thiết bị điện tử như cục sạc dự phòng, tai nghe,... hay các đồ ăn có ga, thuốc vào trong cốp xe, nhất là khi trời đang nắng nóng cao điểm. Nếu bỏ túi xách vào yên xe thì cũng nên kiểm tra lại những vật dụng trong đó để tránh xảy ra những tình huống nguy hiểm.
Nam sinh bị sốc nhiệt điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp cho báo chí) |
Mới đây, trường hợp một nam sinh sốc nhiệt đến ngất xỉu, tổn thương gan - thận sau khi chạy thể dục dưới trời nắng nóng khiến cộng đồng mạng xôn xao. Khánh Như (18 tuổi) chia sẻ, nhà trường và bố mẹ nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, bởi tránh vận động nhiều vì dễ mất nước là nguyên tắc cơ bản trong thời tiết nắng nóng. Đồng thời, người chạy cần chú ý đến các tín hiệu "ét ô ét" của cơ thể để tạm dừng ngay hoạt động gây mất sức, mất nước.