Nhiều trường đại học tăng học phí
Theo đề án tuyển sinh công bố vào ngày 24/3/2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi theo quy định của Chính phủ và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Cụ thể, trong năm học 2023 - 2024, học phí các ngành hệ đại trà dự kiến là 506.900 đồng/tín chỉ (tăng hơn 224.000 đồng/tín so với năm trước). Còn học phí dự kiến của hệ chất lượng cao là 1.470.010 đồng/tín chỉ (tăng khoảng 148.000 đồng/tín so với năm 2022).
Đối với trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong năm học 2022 - 2023, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn là từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, trong năm học tới, học phí được nhà trường dự kiến sẽ tăng với mức mới từ 16 triệu đồng đến 22 triệu đồng/năm.
Đại học Ngoại thương dự kiến mức học phí đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này tăng 5 - 10 triệu đồng/năm.
Theo thông báo của trường Đại học Gia Định TP.HCM, năm học 2023 - 2024, dự kiến học phí tăng khoảng 8% đối với 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Marketing.
Áp lực mang tên “học phí”
Chia sẻ với nhà Hoa, Nguyễn Ngọc Trâm (học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP.HCM) cho biết: “Mình định đăng ký một số ngành ngôn ngữ của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Theo mình tìm hiểu, trong năm học tới, học phí những ngành học này dự kiến tăng dao động trong khoảng 2 - 4 triệu đồng/năm học. Mình nghĩ trường tăng học phí ở mức ổn nhưng nếu năm nào cũng tăng như vậy thì tiền học 4 năm khá là nhiều”.
Ngọc Trâm hi vọng rằng học phí tăng lên đồng nghĩa với chất lượng học tập tốt hơn và các hoạt động của trường được tổ chức đa dạng và mới mẻ hơn. Ảnh: NVCC |
Ban đầu, Ngọc Trâm dự định chọn trường Đại học Kinh tế TP.HCM là “đích đến”, tuy nhiên, chính sách tăng học phí của trường khiến bạn đắn đo khá nhiều khi tính đến cả lộ trình 4 năm. Vì vậy, cô bạn quyết định “quay xe” sang một trường có học phí phù hợp với điều kiện tài chính gia đình hơn.
“Lên năm nhất mình muốn tìm được nguồn thu nhập để phụ giúp bố mẹ học phí cũng như có thêm chi tiêu cá nhân. Đồng thời mình cũng muốn dành thời gian để tham gia các hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm ở môi trường đại học nên nếu trường tăng học phí cao quá sẽ ảnh hưởng kha khá đến quyết định của mình. Vì học phí nhiều thì mình sẽ phải đi làm thêm, ít còn thời gian để tham gia các hoạt động khác hơn” - Ngọc Trâm tâm sự.
Thang Ánh Ngọc (học sinh lớp 12 trường THPT Bà Điểm) chia sẻ: “Mình có ý định đặt nguyện vọng ngành Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (USSH). Lúc đầu mình nghĩ sẽ đăng ký một ngôi trường khác nhưng sau khi nghe mọi người bàn về việc tăng học phí của trường đó thì mình băn khoăn và phân vân. Sau khi tìm hiểu và đem ra so sánh thì cuối cùng, mình lựa chọn USSH với mức học phí thấp hơn một chút”.
Ánh Ngọc chọn USSH vì học phí của trường phù hợp với điều kinh tế của gia đình. Ảnh: NVCC |
Ánh Ngọc mong muốn với mức học phí tăng nhiều hơn so với năm ngoái thì cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, cô bạn hy vọng trường có thể tổ chức các sự kiện, dự án,... nhiều hơn và tạo điều kiện cho sinh viên đi nhiều nơi để có thể trải nghiệm.