20 giờ. Chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội đây là lúc vắng người qua lại nhất trong ngày. Tranh thủ lúc những chuyến xe chở hàng chưa tới, thấp thoáng một số bóng dáng những đứa trẻ vật vạ trên thùng hàng tranh thủ chợp mắt để lấy sức chuẩn bị cho nửa đêm về sáng thức trắng để mưu sinh.
Ngồi phía sau một chiếc lán tạm bợ ở góc chợ, Nguyễn Văn Sự (14 tuổi) quê Nghệ An nhìn xa xăm ra phía ngoài đường. Sự nói, mới ra Hà Nội được hơn chục ngày, theo lời “rủ rê” của mấy chị cùng quê. “Em vừa được nghỉ Hè, mùa màng cũng vừa kết thúc, để không trở thành gánh nặng cho bố mẹ, em đã ra Hà Nội kiếm sống gần được 2 tuần rồi”. “Ở nhà khổ thế còn sống được ngại chi việc nặng nhọc ở Thủ đô, nghĩ thế nên em mới quyết định ra đây”, Sự nói thêm.
16 tuổi, Bùi Đình Phúc, quê ở Thái Bình thạo lắm với nghề bốc vác hàng tại chợ Long Biên. Phúc nói gắn bó với nơi này đã 3 năm. Phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phúc đã làm việc như những lao động thực thụ tại chợ. Công việc không kể ngày đêm, em phải “bán” đi những giọt mồ hôi, có khi là nước mắt để lấy những đồng tiền trang trải cuộc sống.
Vất vả những chuyến hàng. Ảnh: H.Phương
Ở khu chợ này, những lao động đang ở tuổi như Phúc không phải là hiếm, đặc biệt vào mùa Hè. Các em thường nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa. Làm việc không quản giờ giấc, không hợp đồng lao động, Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các em đang phải vắt sức lao động khi chưa bước vào tuổi trưởng thành để kiếm tiền trang trải cuộc sống, hoặc mua sách áo cho năm học mới. Hầu hết, các em là lao động ngoại thành hoặc ngoại tỉnh theo bố mẹ hoặc người quen dẫn mối đến Hà Nội làm việc.
Em Hoàng Trung Đạt và em Hoàng Trung Hùng, đều là học sinh lớp 8, ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), bán hoa quả từ đầu mối ở cổng chợ Long Biên. Hàng ngày Đạt, Hùng có mặt tại chợ lúc 5 giờ sáng để lấy sỉ một mối hàng quen chở từ Hưng Yên đến chợ Long Biên. Đạt kể: “Vụ Hè này đã là lần thứ 3 bọn em ra Hà Nội bán chanh. Nhà em nghèo, cả gia đình làm nông nên chỉ đủ ăn không dư tiền mua quần áo, tiêu vặt. Vì vậy, cứ nghỉ Hè là bọn em lại rủ nhau đi buôn để kiếm tiền đỡ bố mẹ phải bán lúa mua quần áo, sách vở, tiền đóng các khoản đầu năm…”.
Mỗi ngày, hai em lựa chanh quả tươi từ chợ Long Biên và đội đi bán trong phố. Mỗi thúng chanh đầy khoảng gần 20 kg, Đạt và Hùng bán hết mỗi người cũng lãi khoảng từ 70 - 100.000 đồng. Ngoài công việc bán chanh quả ra, tối nào cảm thấy còn khỏe, các em ra khu vực chợ đêm Đồng Xuân làm công việc bưng bê, rửa bát thuê, dắt xe cho khách ở một quán phở đêm với mức thù lao 70.000 đồng/ người/ tối. Sau khi mưu sinh tất bật, cả hai trở về khu nhà thuê trọ theo đêm ở gần bãi Phúc Xá ngủ. Vòng quay công việc như vậy trong vòng 2 tháng. Đạt bảo nếu chăm chỉ, công việc thuận lợi, hết hè mỗi em có thể đút túi 5 đến 6 triệu đồng.
Đạt bật mí, nghề đẩy xe máy cho khách rất hay được “bo tiền”: “Nhiều lúc thấy “đưa trẻ nhỏ mà ngoan, khách cho em vài chục nghìn là chuyện thường”. Không ít đứa bạn rủ em đi theo con đường trộm cắp. “Có đứa nói rằng đi đánh giầy với nó chỉ cần ăn cắp được của khách đôi giầy có khi kiếm được cả nửa triệu bạc, bằng chúng em làm bạc cả mắt cả tháng. Nhưng em không dám theo”, Đạt thật thà.
Trong tiếng ve gọi Hè da diết, đâu đó trên mạng xã hội người ta thấy con trẻ được bố mẹ cho đi du lịch nơi này, nơi kia thì còn không ít những đứa trẻ nghèo vẫn miệt mài mưu sinh bằng nghề “bán” mồ hôi.