Brave (2013)
Dù đoạt được tượng vàng Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất, Brave lại gặp khá nhiều tranh cãi. Chiến thắng của Brave không trọn vẹn, nhiều người cảm thấy tiếc cho những cái tên khá nặng kí cùng hạng mục nhưng lại trượt tượng vàng dưới tay một bộ phim bị đánh giá là “mất chất Pixar”.
Bộ phim kể về Merida - một cô công chúa cá tính, vì phản đối tục lệ hứa hôn cổ xưa mà vô tình biến mẹ mình thành một con gấu. Brave bị đánh giá là “mất chất” vì đã xây dựng một nhân vật công chúa làm trung tâm trong khi công chúa lại là chất liệu chính của Disney. Thậm chí có ý kiến bi quan còn cho rằng Brave là dấu chấm hết cho “chất” riêng, Pixar giờ đây chẳng khác nào một phiên bản khác của Disney.
Thực tế, “chất” của Pixar nằm ở phần nội dung sẽ luôn có hai tầng ý nghĩa cho cả khán giả nhí lẫn khán giả người lớn, và Brave làm được điều đó. Xem xét kỹ hơn, có thể thấy Pixar đã xây dựng Merida thoát khỏi hình tượng công chúa thường gặp: Độc lập, dám đấu tranh vì điều mình tin tưởng, không cần một chàng hoàng tử…
The Good Dinosaur (2015)
Có thể nói The Good Dinosaur là bộ phim có thành tích thất vọng nhất của Pixar: Doanh thu thấp nhất, tỉ suất người xem thấp nhất và là bộ phim gốc duy nhất của hãng không có nổi một đề cử Oscar.
Bộ phim là hành trình của chú khủng long Arlo và cậu bé người thượng cổ Spot tìm đường về nhà. Lý do chính khiến The Good Dinosaur không được thành công có lẽ nằm ở việc bộ phim khai thác chủ đề tình bạn khá đơn giản. The Good Dinosaur nghiêng quá nhiều về phía các khán giả nhỏ tuổi, ít khai thác góc nhìn của người lớn. Về mặt quảng bá, bộ phim dường như là đòn bẩy cho Inside Out tranh giải Oscar, nhưng đáng buồn là Inside Out năm đó cũng trượt tượng vàng dưới tay Big Hero 6 của Disney.
Dù vậy, không thể bàn cãi về kỹ thuật hình ảnh, The Good Dinosaur xứng đáng với kinh phí 200 triệu đô, đã đem đến một thế giới hùng vĩ, sắc nét đến từng giọt mưa. Đặc biệt, cảnh phim khi bầy đom đóm xuất hiện giữa trời đêm chắc chắn sẽ làm người xem choáng ngợp. Và cốt truyện đơn giản thì đã sao, đôi khi một câu chuyện đơn giản nhưng đủ và đẹp là đã tuyệt rồi.
Onward (2020)
Đây là một trường hợp khá đặc biệt, Onward ra mắt đúng ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, rạp phim trên toàn cầu buộc phải đóng cửa, ảnh hưởng một phần đến việc tiếp cận khán giả. Không biết cố tình hay vô ý, khi ra mắt bộ phim cũng dính vô một “phốt” rất hài hước khi bưng nguyên tạo hình của nhân vật chính trong Ratatouille thành Ian - nhân vật người em trong Onward.
Nhưng lý do chính khiến Onward không đạt được tiếng vang như mong muốn là do cái bóng quá lớn của Soul. Nội dung của Soul được phân tích, mổ xẻ, bàn luận nhiều hơn sau khi công chiếu. Cả Onward và Soul cùng nhận được đề cử ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất Oscar 2021, nhưng Soul là phim giành được tượng vàng.
Không nổi bật như Soul, nhưng Onward là một bộ phim đáng xem - đề cử Oscar đã chứng minh điều đó. Bộ phim kỳ ảo đầy ắp ma thuật; nhưng tình yêu giữa các thành viên trong gia đình được kể lại gần gũi, chân thật và vô cùng cảm động, khiến khán giả khó cầm được nước mắt ở những phân cảnh cuối phim.
Luca (2021)
Đạt 91% “Cà chua tươi” (Rotten Tomatoes) và được đề cử Oscar lẫn Quả Cầu Vàng ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất, nhưng vì ra mắt ngay giữa tâm dịch COVID-19 nên Luca chỉ có thể tiếp cận khán giả trên nền tảng streaming Disney+. Những thông tin thảo luận về Luca lại chỉ tập trung vào câu hỏi liệu tình cảm giữa hai nhân vật Luca và Alberto có phải là tình yêu, bộ phim có nhắc đến yếu tố LGBT+?
Nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã khiến Luca trở thành viên ngọc chưa tỏa sáng đúng như giá trị của nó. Đậm chất Địa Trung Hải, Luca mê hoặc người xem từng khung hình, từ bãi cát trắng đến những căn nhà lưng tựa núi đầy màu sắc. Phim đã vận dụng khôn khéo cả kỹ thuật làm phim 2D lẫn 3D, khiến các thước phim như một bức tranh màu nước cổ điển nhưng không kém phần tươi mới, hiện đại.
Luca thực sự là một cuộc phiêu lưu đầy màu sắc, ấm áp, tinh tế và chữa lành mà ai đã thưởng thức sẽ không bao giờ cảm thấy hối hận.
Lightyear (2022)
Không quá liên quan đến Toy Story, Lightyear là câu chuyện về một chàng cảnh sát vũ trụ trong một lần làm nhiệm vụ đã mắc kẹt ở một hành tinh cách Trái Đất 4,2 triệu năm ánh sáng. Sau khi công chiếu, Lightyear lại chỉ được nhắc đến nhiều bởi hai điều. Thứ nhất, “Đội trưởng Mỹ” Chris Evans là người lồng tiếng cho nhân vật Lightyear. Thứ hai, Lightyear bị cấm chiếu ở 14 quốc gia vì trong phim có nụ hôn của hai nhân vật nữ.
Khá đáng tiếc khi bị lu mờ, nhưng Lightyear thực sự là một trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn mà ít phim hoạt hình nào làm được. Bộ phim đem đến cho các tín đồ yêu khoa học viễn tưởng các thước phim đẹp đến sửng sốt về các vũ trụ và hành tinh. Các trạm không gian, thiết bị khoa học tối tân hiện ra hết sức hoành tráng mà tỉ mỉ.
Nội dung của Lightyear là một hành trình khám phá bản thân, mang đến những bài học về tình đồng đội cũng như thông điệp rằng dù giỏi giang đến đâu chúng ta cũng không thể sống một mình. Bộ phim cũng cài cắm cú twist khá đặc sắc, đủ khiến người xem phải bất ngờ.