Trong một số bộ phim viễn tưởng (hoặc cả phim kinh dị), những người đã qua đời có thể sống lại bằng cách nào đó, rồi tồn tại ở một trạng thái không giống người thường, đôi khi còn có năng lực siêu nhiên.
Chuyện này tưởng chỉ có trong phim, nhưng một nghiên cứu mới cho rằng một “trạng thái thứ ba” của sự tồn tại (ngoài sự sống và cái chết) thực sự là có trong sinh học hiện đại, theo trang Earth và IFL Science.
Theo các nhà nghiên cứu, “trạng thái thứ ba” là khi các tế bào của một sinh vật đã chết vẫn tiếp tục hoạt động. Đáng ngạc nhiên nhất là sau khi sinh vật đó chết, các tế bào của nó lại có những năng lực mới vốn không có khi sinh vật còn sống, các nhà sinh vật học nói.
Một nghiên cứu mới khẳng định có "trạng thái thứ ba" của sự tồn tại. Ảnh minh họa: Canva. |
Nghiên cứu mới này được thực hiện bởi Giáo sư Peter Noble ở ĐH Washington (Seattle, Mỹ) và các đồng nghiệp.
“Sống và chết vốn được coi là 2 điều trái ngược,” - các nhà nghiên cứu nói trên trang The Conversation - “nhưng sự trỗi dậy của các dạng sống đa bào mới từ các tế bào của một sinh vật đã chết cho thấy một “trạng thái thứ ba” bên ngoài ranh giới truyền thống về sự sống và cái chết. Những tế bào nhất định, khi được cung cấp dinh dưỡng, oxy, các tín hiệu điện sinh học và sinh hóa, thì có khả năng biến thành những sinh vật đa bào với các chức năng mới sau khi chết”.
Một số tế bào nhất định từ sinh vật đã chết lại có thể "hồi sinh" trong phòng thí nghiệm. Ảnh minh họa: Pexels. |
Trước đây, các nhà nghiên cứu ở Mỹ cũng đã thấy rằng các tế bào da của những con ếch đã chết có thể thích nghi với môi trường nhất định trong phòng thí nghiệm, rồi tái tổ chức thành những sinh vật đa bào gọi là xenobot, với những hành vi khác hẳn với vai trò sinh học gốc của chúng, bằng cách dùng lông mao để di chuyển.
Một số nhà nghiên cứu khác cũng đã thấy các tế bào phổi của con người có thể tự sắp xếp thành những sinh vật đa bào nhỏ, có thể di chuyển, được gọi là anthrobot. Không chỉ vậy, những anthrobot này còn có thể tự chữa lành và chữa cho cả những tế bào thần kinh bị tổn thương ở gần đó.
Đội ngũ nghiên cứu nói, đây là những ví dụ về các chức năng mới của tế bào mà vốn không tồn tại khi sinh vật còn sống, cho thấy sự thay đổi theo những cách không xác định trước được.
Trên thế giới có thể có những dạng sống ngoài hiểu biết hiện tại của chúng ta? Ảnh minh họa: Medically Speaking. |
Vậy làm thế nào mà những tế bào nhất định có thể “hồi sinh” sau khi một sinh vật chết đi? Và đây có phải lý do mà một số người được ghép các bộ phận của người đã mất đôi khi có những thay đổi hơi giống với chủ nhân của các bộ phận đó, như nhiều người vẫn đồn đại? Các nhà khoa học chưa giải thích được hoàn toàn vì nói chung là sự hoạt động của các tế bào rất phức tạp. Nhưng họ cũng nói rằng có nhiều yếu tố, gồm cả lứa tuổi, sức khỏe, giới tính, giống loài, có thể “định hình khung cảnh sau khi chết”, tức là quyết định tế bào có thể tồn tại ở “trạng thái thứ ba” không.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu nhắc đến “những ranh giới chưa được khám phá”, tức là có thể đưa các tế bào động vật vào “trạng thái thứ ba”, dù chưa biết việc này có áp dụng được với con người hay không và có thể dẫn tới những điều gì.