Sáng nay, 19/9, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 4. Lúc 7h, vị trí tâm bão ở cách Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 190 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/h), giật cấp 10 (89 - 102 km/h), di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km/h, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta trong bản tin lúc 8h.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc 8h sáng nay. Ảnh: NCHMF. |
Tuy nhiên, hiện tại trên mạng xã hội có nhiều thông tin rằng bão đã vào đất liền hoặc bão không hình thành mà sẽ chỉ là ATNĐ.
Có sự nhiễu thông tin như vậy vì thực tế là đã có nhiều nhiễu động ở ATNĐ/ cơn bão này.
Ngày hôm qua, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ nhận định rằng ATNĐ ở Biển Đông đã vào đất liền nước ta vào buổi chiều, nhưng xuất hiện một áp thấp mới và áp thấp mới đó mới mạnh lên tiếp. Trong hôm qua, ở nhiều tỉnh thành miền Trung cũng có mưa to, gió mạnh, càng khiến nhiều người nghĩ rằng ATNĐ/ bão đã vào.
Dự báo của JTWC lúc 7h sáng nay. Ảnh: Zoom Earth, JMA, JTWC. |
Tuy nhiên, dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) và mô hình của Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (UKM) thì đều cho rằng trên Biển Đông vẫn chỉ có một ATNĐ. Như vậy, có thể vì có nhiều nhiễu động ở ATNĐ trên Biển Đông nên JTWC nhận định là nó chia làm hai mà thôi.
Đến sáng nay, mô hình dự báo của các cơ quan khí tượng lớn đã khá thống nhất về việc bão số 4 sẽ đổ bộ miền Trung nước ta trong hôm nay, có thể là buổi chiều đến chiều tối.
Còn về việc một số người cho rằng đây chỉ là ATNĐ chứ không thành bão thì đó là vì JTWC đến sáng nay vẫn chỉ ghi nhận đây là ATNĐ, ký hiệu 16W, và nhận định ATNĐ này không thành bão. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã xác định đây là bão số 4 và JMA cũng xác định tương tự, ghi tên quốc tế là bão Soulik.
JMA đã ghi nhận ATNĐ mạnh lên thành bão, tên quốc tế là bão Soulik. Ảnh: JMA. |
Thực tế, tốc độ gió của một cơn bão và các cấp bão có thể hơi khác nhau theo ghi nhận của các cơ quan khí tượng khác nhau, đôi khi số liệu chỉ chênh một chút là có thể tạo nên sự khác biệt trong cách gọi. Nhưng điều quan trọng là người dân không nên chủ quan hay hoang mang mà cần theo dõi các bản tin chính thống cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương để có cách ứng phó phù hợp, bảo vệ tính mạng và tài sản.