Chắc chắn không ai quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà quên được những hình ảnh hỗn loạn, gây ra bởi những người ủng hộ Tổng thống Trump tại Washington DC vào ngày 6/1. Nhiều hãng tin lớn cho rằng, thực tế, đây lại là “thảm họa” cho Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump.
Ngay trước đó, những tuyên bố ồn ào vô căn cứ của Tổng thống Trump được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến việc hai ứng viên của Đảng Cộng hòa đều thua hai ứng viên của Đảng Dân chủ tại bang Georgia, trong cuộc bầu cử giành ghế ở Thượng viện.
Hai ứng viên của Đảng Dân chủ là Jon Ossoff (trái) và Raphael Warnock (phải) đều thắng ở bang Georgia. Ảnh: Jim Watson/ AFP via Getty Images.
Còn giờ đây, sau bạo loạn kinh hoàng, Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục họp xuyên đêm và cuối cùng đã xác nhận: Ông Joe Biden nhận 306 phiếu đại cử tri, so với 232 của Tổng thống Trump. Và ông Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Việc làm của những người ủng hộ Tổng thống Trump, dù vì bất kỳ lý do gì, cũng rất phản cảm và phản tác dụng. Họ ập vào Điện Capitol. Họ chống lại cảnh sát và đập vỡ các cửa sổ. Họ chụp selfie trên sàn Hạ Nghị viện. Thậm chí, có người còn ngồi vào chỗ của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, và gác chân lên bàn (lúc ấy, mọi người đã được sơ tán).
Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi chủ trì buổi họp Quốc hội Mỹ, xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Ảnh: Erin Schaff/ AFP/ Getty Images.
Đây là kết quả của những lời tuyên bố về “cuộc bầu cử bị đánh cắp” mà Tổng thống Trump đã liên tục đưa ra. Dù không chắc rằng đây là kết quả mà ông mong muốn.
Và một trong những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất, một cách thiếu công bằng nhất, lại chính là đồng minh trung thành nhất của Tổng thống Trump: Phó Tổng thống Mike Pence.
Nếu không có sự hỗ trợ của ông Pence, chưa chắc ông Trump đã được bầu làm Tổng thống vào 4 năm trước. Vậy mà bây giờ, ông Pence trở thành “kẻ thù số 1” của những người ủng hộ Tổng thống Trump. Thậm chí, còn có những người kêu gọi nhóm người lao vào Điện Capitol hãy “bắt giữ” Phó Tổng thống.
Phó Tổng thống Mike Pence bỗng nhiên chịu sức ép nặng nề chỉ vì ông phải đếm những lá phiếu đã có sẵn. Ảnh: Getty.
Đây cũng là kết quả của việc Tổng thống Trump gây sức ép buộc ông Pence đảo ngược kết quả cho mình, khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến Lễ Nhậm Chức. Mà đó là việc ông Pence không có quyền làm.
Trong bài phát biểu trước đám đông người ủng hộ mình trước đó, Tổng thống Trump nhắc đến Mike Pence ít nhất 7 lần, và nói: “Tôi hy vọng Mike có can đảm làm việc mà ông ta phải làm”.
Nhưng Pence, một cách đúng đắn, đã từ chối việc lật ngược chiến thắng của ông Biden.
Tổng thống Trump có quyền không tin rằng mình thua. Nhưng nếu ông không thể chứng minh được những lời mình nói (về sự gian lận) trong suốt 2 tháng liền, thì vì cớ gì ông lại đặt toàn bộ gánh nặng đó lên vai Phó Tổng thống Pence vào phút cuối?
Những ngày cuối nhiệm kỳ rất khác biệt của Obama - Biden và Trump - Pence. Ảnh: USA Today; AL DRAGO/ REUTERS.
Khi sắp rời nhiệm sở, Tổng thống Obama đã vinh danh Phó Tổng thống Biden bằng cách trao cho ông Biden Huân chương Tự do, một trong hai huân chương cao quý nhất của nước Mỹ. Còn Tổng thống Trump, khi sắp rời nhiệm sở, ông đã để lại gì cho Phó Tổng thống Pence ngoài sự hỗn độn đây?