Đâu là mấu chốt trong truyền thông tác hại của thuốc lá?
Sẽ không bao giờ là thừa khi nhắc lại những tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của con người. Thuốc lá không chỉ gây tác hại trực tiếp đến sức khoẻ của người hút thuốc mà còn gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe cho những người xung quanh hàng ngày hít phải khói thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống, làm giảm chất lượng học tập và hiệu quả làm việc, bào mòn sự nhạy bén, sáng tạo của thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên.
![]() |
Câu hỏi đặt ra là làm sao để thuyết phục được những người trẻ từ bỏ thuốc lá hoặc kiên quyết nói không với thuốc lá? Nói cách khác, truyền thông về tác hại của việc hút thuốc lá chủ động và thụ động nếu chỉ đưa ra những con số khô khan mà không có các biện pháp mới mẻ, độc đáo thì khó mà thuyết phục được những người trẻ “nói không”. Về vấn đề này, thầy Đinh Văn Dũng, Phó trưởng Ban Chính trị và Công tác học sinh-Sinh viên, ĐHQG HN bày tỏ quan điểm: Để truyền thông về tác hại của việc hút thuốc lá thành công, mấu chốt của vấn đề chính nằm ở 2 từ khoá “Kiên trì” và “Sáng tạo”.
Về từ khoá đầu tiên, thầy Đinh Văn Dũng cho biết: “Bởi mỗi người hút tìm đến khói thuốc với rất nhiều lí do: Giải toả căng thẳng, giải trí, buồn môi hoặc đôi khi, họ có thói quen hút thuốc để gia tăng sự tập trung. Nếu người truyền thông chỉ nói đến vấn đề sức khỏe thể chất mà không nói đến vấn đề sức khỏe tinh thần thì khó lòng thuyết phục được họ cai nghiện thuốc lá”.
![]() |
Về yếu tố sáng tạo, thầy Đinh Văn Dũng chia sẻ trải nghiệm làm giám khảo một cuộc thi truyền thông tác hại của thuốc lá mới diễn ra tại ĐHQG Hà Nội: “Nếu như sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG Hà Nội mang nhạc kịch sôi động vào phần thi của mình thì sinh viên ĐH Công nghệ (ĐHQG HN) lại chọn yếu tố lắng đọng làm điểm nhấn trong phần dự thi. Bi kịch xảy ra trong một gia đình khi người cha nghiện thuốc đã gặp phải một giấc mơ hãi hùng. Ông thấy con mình bị thần chết lôi đi bởi căn bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động. Giật mình tỉnh giấc, người cha thấy con gái đang gọi tên mình. Ông bừng tỉnh và quyết định bỏ thuốc lá, bởi đó là cách duy nhất để con ông không phải chịu hậu quả từ việc mình hút thuốc”.
Truyền thông về tác hại của thuốc lá: Từ “kịch” bước ra “đời”
Nói về yếu tố sáng tạo trong truyền thông về tác hại của thuốc lá đối với người trẻ, không thể không nhắc đến cách làm mới của nhiều Hội sinh viên, CLB truyền thông các trường ĐH, CĐ và các toà soạn báo trong thời gian gần đây. Mới đây, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) và đại diện sinh viên ĐH, CĐ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vì một thế giới không khói thuốc”.
![]() |
Á khôi Thuý Vân tham dự sự kiện trong “Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá”.
Cũng mới đây thôi, trong Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện, Á khôi Thuý Vân và những người đẹp trong cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam đã “ghi điểm” đầy ấn tượng với bạn trẻ cả nước. Cùng với sự xuất hiện bằng hình ảnh, Á khôi Thuý Vân cũng chia sẻ với khán giả câu chuyện có thật trong gia đình: Bạn sống trong môi trường thuốc lá từ nhỏ, do thói quen khó bỏ của bố. Tuy nhiên, bố cô đã thay đổi thói quen suốt 30 năm khi nghĩ đến sức khoẻ của gia đình, con cái và bản thân.
![]() |
Vở kịch với thông điệp mang tính cảnh báo của sinh viên ĐH Công Nghệ và trải nghiệm từ cuộc sống của Á khôi Thuý Vân chính là những bài học sinh động của công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá trong cuộc sống. Theo đó, một trong những chìa khoá thành công của công của công tác truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá chính là làm sao để thông điệp đến và ở lại trong tim mỗi người trẻ.
ANH ANH