Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido?

Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido?
HHT - Bị viêm võng mạc sắc tố khiến mất đi 70% thị lực từ lúc sinh ra nhưng Hoàng Nhật Minh (SV năm 3 ngành Professional Communications) đã nhận được học bổng 100% của Đại học RMIT và trở thành HLV Aikido cho các bạn khuyết tật trong suốt 6 năm.

Từ chàng trai cố gắng để trở thành người bình thường

“Mẹ mình từng nói thế này, nếu người ta làm được, mình cũng làm được. Người ta làm được 10 phần, mình ít nhất cũng phải làm được 5, 6 phần”. Đó là chia sẻ của Hoàng Nhật Minh khi được hỏi động lực nào đã khiến cậu làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng có thể làm được. Sinh ra đã mất đi 70% thị lực, cuộc sống của Minh luôn chìm trong bức màn mờ ảo. Ngày còn học Tiểu học, Minh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè.

Năm lớp Sáu, Minh tham gia lớp dạy Aikido của cô Loan tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Minh kể, lớp học đa số là các bạn hoàn toàn không thấy đường, nhưng các bạn định vị đường đi rất giỏi. Minh - lúc đó đang tràn ngập tự ti và mặc cảm vì không giống người bình thường - đã nhận ra rằng, những người thiếu may mắn hơn cả mình đều làm được, tại sao bản thân lại không thể?

Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido? ảnh 1

“Bà của mình có lần nói rằng bà thương mình vì mình thiệt thòi, nhưng mình không muốn như vậy. Mình có thể tự lập, có thể làm được những điều mà người bình thường làm được, mình không muốn ai cảm thấy tội nghiệp cho mình cả” - Minh tự tin chia sẻ.

Sải cánh bay xa

“Mình không phải là một người thông minh...” - Minh tự nhận xét về bản thân như vậy. Trong hồ sơ của Minh khi nộp xin học bổng, điểm trung bình năm 12 của cậu bạn là 7.5, điểm IELTS là 5.5. Lúc vừa tham gia lớp của cô Loan, Minh là người luôn bị bỏ lại phía sau vì… tập té ngã hoài mà cô vẫn không đồng ý. Quá trình học Tiếng Anh của một người khiếm thị cũng không hề dễ dàng. Nhưng tất cả những điều đó không hề cản trở cậu.

“Mình biết mình kém hơn người khác rất nhiều, nhưng bản thân mình lại cần cù và ham học hỏi. Mình luôn cố gắng vượt lên bản thân để có thể không thua kém ai cả”. Minh đã té ngã rất nhiều lần trong rất nhiều ngày ở lớp dạy Aikido của cô Loan để nhận được cái gật đầu của cô. Thậm chí, cậu là người duy nhất còn ở lại, cùng cô Loan xây dựng lớp Aikido và nhiều lớp dạy chữ, dạy Toán cho các bạn trẻ bị khuyết tật, thiểu năng cho đến thời điểm này.

Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido? ảnh 2

Mắt không thấy, Minh dùng phần mềm Topic (phần mềm trợ giúp người khiếm thị) trên điện thoại và đọc sách chữ Braille (chữ nổi) để học tiếng Anh. Nỗ lực đáng kinh ngạc của Minh đã giúp cậu giành học bổng và trở thành người thầy Aikido tận tụy của rất nhiều em nhỏ bị khuyết tật, thiểu năng tại lớp học của cô Loan ở Nhà thiếu nhi quận 3, TP.HCM.

Khi được hỏi lí do vì sao chọn ngành Professional Communications (truyền thông chuyên nghiệp), Minh cho biết cậu mong muốn dùng kiến thức về truyền thông để tạo nên những website, kênh thông tin giúp nhiều lớp học tình thương như lớp học của cô Loan được biết đến rộng rãi, từ đó có được nhiều nguồn tài trợ hơn. Hiện tại, Minh cùng cô Loan cũng ấp ủ ước mơ mở rộng nghề nghiệp cho những người khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung.

“Bây giờ nhắc đến người khiếm thị, không hiểu sao mọi người đều chỉ nghĩ đến nghề mát-xa. Nhưng đâu phải người khiếm thị nào cũng có năng lực dành cho ngành nghề này? Còn biết bao nhiêu ngành nghề khác mà người khiếm thị, khuyết tật hoàn toàn có thể làm được chẳng hạn mở quán cà phê, làm truyền thông… Mình mong mọi người sẽ mở rộng suy nghĩ, không đi vào lối mòn, tiếp tục học tập để tìm được ngành nghề phù hợp”.

Kể về quá trình học Đại học, Minh nói: “Bạn bè ít người ngồi cạnh, mỗi lần khó hiểu điều gì mà lên hỏi thầy cô cũng hay nhận được câu về tra Google. Mình thật sự cần được sự giúp đỡ mà nhận được sự lạnh nhạt như thế, bản thân cũng rất buồn. Nhưng khi làm quen được với nhiều bạn bè, thầy cô, mình mới thấy không có gì để phải tủi thân. Rất nhiều bạn bè hăng hái giúp đỡ mình, chỉ là đôi khi họ ngại và không biết cách, lúc đó quan trọng nhất là biết mở lời. Còn thầy cô, họ chỉ đối xử với mình hệt như những bạn bình thường để giúp mình thêm tự lập mà thôi”.

Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido? ảnh 3

Bây giờ, Minh có thể tự nấu ăn, sinh hoạt tự lập, dùng Macbook thành thạo, sử dụng điện thoại. “Mình chấp nhận khiếm khuyết của mình, nhưng không phải vì thế mà mình dừng cố gắng” - Minh tâm sự.

Trước khi làm điều phi thường, chúng ta đều là người bình thường!

Chặng đường phát triển của Minh không phải là một phép màu mà phải đánh đổi từ rất nhiều mồ hôi. Những lần bị học trò đánh trong lớp Aikido, những lần tự ti, những ngày học tiếng Anh miệt mài… Minh không phải siêu nhân, cậu cũng từng đau khổ và gặp thất bại.

“Đôi lần tham gia sinh hoạt dành cho người khiếm thị, mình thấy có nhiều bạn bằng tuổi mình hoặc thậm chí lớn hơn, vẫn cần sự trợ giúp của bố mẹ. Nhiều bạn không dùng gậy dò đường vì không chấp nhận rằng mình là người khiếm thị. Nhưng để phát triển, bạn không thể cứ mãi như vậy. Chúng ta rồi cũng đến lúc phải tự lập, phải lớn khôn. Chấp nhận bản thân và học cách để đối mặt với những khó khăn là cách làm của mình”.

Trước khi làm được điều phi thường, ai trong chúng ta cũng đều là người bình thường. Chúng ta đều bị tổn thương và vấp ngã. Nhưng chọn cách ngồi im hay đi tiếp đều là quyết định của chính mình.

“Mình may mắn có mẹ luôn ủng hộ, động viên. Mình cũng mong các bậc phụ huynh đừng đè nặng áp lực lên con, vì mình biết sống trong áp lực khổ sở thế nào. Mình nghĩ, ủng hộ con là cách hay nhất để con phát triển”.

Sức mạnh nào đã khiến chàng trai bị mất 70% thị lực trở thành HLV Aikido? ảnh 4

Bàn về các tuyệt chiêu để xin học bổng, Minh chia sẻ rằng việc tham gia vào các công tác xã hội và thể hiện tốt trong phần phỏng vấn là hai điểm mấu chốt giúp bạn ghi điểm. Đôi khi nhà trường không quá quan trọng kết quả học tập của bạn, cái họ quan tâm là sự cố gắng cho thấy bản thân xứng đáng với học bổng ấy. Minh đã thể hiện bản thân là người không ngừng phát triển để đạt được điều cậu mong mỏi, đó là cách cậu chiến thắng.

Minh kể, có lần còn được thầy giao cho nhiệm vụ quay cảnh cả lớp đang học. Cậu hỏi tại sao thầy lại chọn mình, một người rõ ràng chẳng phù hợp với việc quay phim, làm điều này. Thầy bảo, thầy có một người bạn khiếm thị nhưng quay phim rất giỏi, và thầy tin là cậu cũng làm được. Minh cũng tin bản thân làm được. Và thành phẩm khiến cậu rất mãn nguyện.

Minh đã làm được điều cậu tưởng như bản thân không thể, nhờ vào niềm tin của bản thân. Để thực hiện được những điều phi thường, quan trọng là chúng ta đừng để những khó khăn và e ngại cản trở mình, phải không nào?

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG
Nhắn tin hỏi học sinh "Không đi học thêm thật hả?", cô giáo phải viết tường trình
Nhắn tin hỏi học sinh "Không đi học thêm thật hả?", cô giáo phải viết tường trình
HHT - Trước đó trên mạng xã hội xuất hiện những đoạn tin nhắn của cô giáo dạy Hóa nhắn cho học sinh với nội dung nhắc đến chuyện đi học thêm: “Các bạn ơi bài trong lớp không giải kịp. Mà cô thấy các bạn không học thêm. Vậy các bạn chỉ học những gì trên lớp thôi phải không?” hay “Các bạn không học thêm Hóa thật luôn hả? Rồi hiểu gì chứ?”.

Có thể bạn quan tâm

Cảnh sát Thái Lan được báo có "người cầm vũ khí", đến nơi không nhịn được cười

Cảnh sát Thái Lan được báo có "người cầm vũ khí", đến nơi không nhịn được cười

HHT - Nhận được thông tin về “người phụ nữ thần kinh không bình thường đang cầm vũ khí”, có vẻ rất nguy hiểm, một số cảnh sát ở Thái Lan đã mang theo những dụng cụ cần thiết đến hiện trường. Tuy nhiên, đến nơi thì họ nhận ra một sự thật khiến chính họ cũng không nhịn được cười.