Thay đổi vì sợ không trúng tuyển
Nguyễn Tuấn Minh, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Đắk Nông cho biết mình đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhưng sau khi kết thúc kỳ , Minh dự đoán mình chỉ được khoảng 24 điểm, trong khi điểm chuẩn ngành này năm 2017 lên tới 28 điểm. “Vì vậy, em sợ mức điểm đó em sẽ không trúng tuyển, nên em sẽ chọn một ngành điểm thấp hơn tại trường”, Minh cho biết.
Trong khi đó, Dương Thùy Linh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM lúc đầu đăng ký 2 nguyện vọng là ngành tài chính - Ngân hàng trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM (ưu tiên 1) và ngành Tài chính - Ngân hàng trường ĐH tài Chính - Marketing (ưu tiên 2), nay cũng phân vân vì điểm thi của mình chỉ khoảng 22 trong khi điểm chuẩn năm trước ngành này hơn 24 điểm. “Có thể em sẽ chọn một ngành điểm thấp hơn tại trường ĐH Kinh tế - Luật làm ưu tiên 1, hoặc em sửa lại ưu tiên 1 là ngành Tài chính - Ngân hàng tại ĐH Tài chính - Marketing, nguyện vọng 2 cũng ngành này tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM”.
Rất nhiều thí sinh khác cũng vì thấy điểm dự kiến của mình thấp hơn so với điểm chuẩn mọi năm ở ngành học, trường học mình đăng ký, nên đã tính toán lại nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Chỉ nên thay đổi khi điểm quá thấp hoặc có lựa chọn khác
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận định: “Năm nay, với mức độ đề thi khó, các chuyên gia cho rằng phổ điểm trung bình sẽ rơi vào khoảng 5, 6 điểm, giảm một chút so với năm 2017. Tuy nhiên, đã giảm thì giảm chung, khó thì khó chung. Do đó, điểm chuẩn có khả năng cũng giảm so với năm trước. Các em cần cân nhắc thật kỹ. Chỉ nên điều chỉnh ngành học, trường học khi điểm của mình khác quá nhiều so với dự kiến ban đầu”.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, thí sinh cũng có thể thay đổi nguyện vọng khi sau một thời gian, cảm thấy ngành học mình đăng ký hồi tháng 4 không còn phù hợp và không phải là ngành mà mình cảm thấy yêu thích nhất nữa. Thạc sĩ Vũ chia sẻ: “Lúc này, các em phải quay lại các bước chọn ngành mà trước đó các em đã từng thực hiện: Sở thích của mình là gì, điều kiện gia đình, năng lực cá nhân, nhu cầu lao động... Đồng thời so sánh mức điểm của mình với điểm chuẩn của ngành học, trường học ở các năm gần đây”.
Ông Vũ cũng nhấn mạnh, thí sinh cần hết sức lưu ý về thời gian và quy định điều chỉnh nguyện vọng. Đó là chỉ được chọn một trong 2 phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu và chỉ được thay đổi một lần. Theo đó, nếu số lượng nguyện vọng không tăng, chỉ thay đổi thứ tự sắp xếp, thay đổi mã trường, ngành… thì sử dụng phương thức trực tuyến từ ngày 19 đến 26/7. Trong trường hợp tăng nguyện vọng, thí sinh phải đến nơi thu nhận hồ sơ chỉnh bằng phiếu và phải nộp thêm lệ phí, từ ngày 19/7 đến 28/7.