Những ngày qua, mạng xã hội liên tục chia sẻ nội dung yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" của Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu.
Rất nhiều người thể hiện việc ủng hộ và sự thích thú về yêu cầu này. Đặc biệt với những người từng có trải nghiệm về việc bị giáo viên "hù dọa" khi kiểm tra bài đầu giờ thì chỉ đạo trên càng ý nghĩa.
Yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng, trả bài đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" nói trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 quận 3 diễn ra vài ngày trước.
Theo ông Hiếu, hiện vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ gọi học sinh trả bài, kiểm tra miệng theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt gây áp lực với học sinh. Nhiều học sinh trên đường đến trường, ăn sáng cũng lo cầm vở xem bài vì sợ... vào lớp bị gọi tên.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, để học sinh hạnh phúc khi đến trường, thầy cô không thể kêu trả bài kiểu bất chợt như vậy. Khi thầy cô hỏi bất chợt thì những kiến thức đó không mang lại giá trị cho học sinh, chỉ làm các em áp lực, căng thẳng. Trong khi, chất lượng giảng dạy chính là yếu tố quan trọng giúp cho trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tránh căng thẳng.
Về mặt kiến thức, theo ông Hiếu, hiện nay 35% nội dung chương trình giáo dụcđược đưa lên hình thức trực tuyến. Giáo viên có thể dễ dàng nắm được học sinh nào làm tốt, học sinh nào làm chưa tốt để nhắc nhở, hỗ trợ học sinh.
Hạnh phúc khi tới trường, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng phải bao gồm 2 yếu tố là từ môi trường giáo dục và từ những mối quan hệ tốt đẹp.
Ngày 15/9, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết, các chỉ đạo chuyên môn của Bộ GD&ĐT không bắt buộc giáo viên gọi học sinh lên trả bài trước mỗi tiết học. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn áp dụng do thói quen dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.
"Giáo viên không nên kiểm tra bài cũ theo hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ, khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp", ông Quốc nói.
Theo ông, giáo viên được chủ động trong kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, có nhiều cách ôn tập bài cũ mà không nhất thiết phải buộc học sinh thuộc lòng. Cụ thể, công văn 5512 của Bộ hướng dẫn rõ việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua các hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số, giáo viên phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng tự học.
Ông Quốc gợi ý giáo viên thông qua những câu hỏi, bài tập nhỏ để đánh giá được mức độ hiểu bài, ghi nhớ của học sinh. Điều quan trọng là giáo viên cần tạo không khí lớp học sôi nổi, thoải mái để học sinh thể hiện.