Những câu hỏi đều rất đơn giản, bạn chỉ cần trả lời nhanh - với những gì hiện ra đầu tiên trong trí tưởng tượng của mình - và trả lời thật. Đừng cố gắng nghĩ xem phải trả lời thế nào mới là “đúng”, vì ở đây không hề có câu trả lời đúng hay sai đâu nhé! Nào, bắt đầu thôi!
Người ta hay so sánh cuộc đời với một vở kịch, vì đúng là hai điều này có nhiều điểm tương đồng. Vậy bây giờ bạn hãy tưởng tượng mình là thành viên của một nhóm kịch. Trong cảnh tiếp theo, tấm màn sân khấu được mở ra, rất đông khán giả đang chờ đợi, và ánh đèn sáng rực chiếu vào chính BẠN.
1. Vậy bạn muốn diễn trong thể loại kịch nào nhất?
2. Trong vở kịch, bạn tưởng tượng cảnh quan trọng của mình là gì? Hãy giải thích.
3. Thực ra bạn đã luyện tập, đi thi và là người được chọn đóng vai chính của vở kịch. Khi bạn được chọn, đối thủ lớn của bạn (trong số những người đi thi) đã nói gì?
4. Ở buổi diễn tập cuối cùng trước đêm diễn, bạn thấy đạo diễn đang ngồi khoanh tay. Trông vị đạo diễn có vẻ không hài lòng với sự thể hiện của bạn. Bạn nghĩ ông ấy không thích điểm nào?
Những câu trả lời của bạn có ý nghĩa thế nào?
Nhà hát là một thế giới trong tưởng tượng mà bạn tự tạo ra cho chính mình. Những câu trả lời sẽ giúp chỉ ra nhiều khía cạnh trong thế giới nội tâm của bạn và cả những điều bạn cần cải thiện đấy!
1. Thể loại kịch mà bạn muốn diễn tượng trưng cho cuộc sống mà bạn muốn có, hoặc nghĩ là mình sẽ có. Bạn đã nghĩ đến kịch tâm lý tình cảm, hay gay cấn giật gân, hay hài kịch vui nhộn? Những điều này có thể thể hiện rằng bạn thích cuộc sống nhiều cảm xúc, hoặc nhiều điều mới mẻ hồi hộp, hoặc bạn tập trung vào niềm vui và tiếng cười. Còn nếu bạn nghĩ mình muốn diễn bi kịch? Có lẽ tâm trạng hiện tại của bạn không tốt lắm và bạn đang có những suy nghĩ không tích cực chăng?
2. Cảnh quan trọng cho biết điều mà bạn nghĩ sẽ là điểm bước ngoặt trong cuộc sống của mình. Nếu đó là một cảnh tình yêu thì bạn đang tin rằng một câu chuyện tình cảm lãng mạn sẽ làm thay đổi cuộc đời mình. Còn nếu bạn nghĩ đó là cảnh chia tay một vài người bạn, hoặc gặp gỡ những người mới mẻ, hoặc cảnh chiến đấu? Nếu vậy thì bạn hãy chú ý đến những tình huống tương tự trong cuộc sống (từ bỏ một số mối quan hệ không phù hợp, quen biết và kết bạn mới, đấu tranh vì những gì mình tin tưởng…). Chúng có thể là những thời điểm tạo nên sự khác biệt trong thế giới nội tâm và cả cuộc sống nói chung của bạn.
3. Hình ảnh “đối thủ” bạn mà tưởng tượng ra phản ánh cách mà bạn - phiên bản tương lai - có thể phản ứng với con người hiện tại của bạn. Lời nói của đối thủ là điều mà bạn nghĩ mình sẽ cảm thấy trong tương lai khi nhìn ngược lại mình ở thời điểm này.
Nếu đó là một lời động viên như: “Làm tốt lắm!”, “Tiếp tục cố gắng nhé!” thì thật tuyệt vời, có vẻ bạn cũng hài lòng với chính mình ở hiện tại.
Nhưng nếu đó là một lời cảnh báo: “Đừng vội kiêu ngạo! Một vai chính không biến cậu thành ngôi sao được đâu!”, “Đường còn dài lắm!”…, thì đây cũng chính là những lời mà bạn cần nhắc chính mình ngay lập tức để trong tương lai không phải hối tiếc.
4. Đạo diễn là người quan sát mọi khía cạnh của vở kịch bằng đôi mắt khách quan. Sự không hài lòng của ông ấy là do một điểm yếu mà bạn đã mơ hồ nhận thấy ở chính mình, là khía cạnh/ lĩnh vực mà bạn dễ mắc lỗi nhất.
Nếu đạo diễn nói nhân vật của bạn “mất hút” trong tất cả các cảnh, thì điều bạn cần làm bây giờ là nỗ lực hơn để thể hiện mình và dám bảo vệ mình trong những tình huống bạn thấy là không công bằng hoặc không đúng.
Còn nếu đạo diễn nói bạn đang lấn át những diễn viên khác thì có lẽ bạn lại cần khiêm tốn hơn, vì không ai thích ở bên cạnh một người lúc nào cũng lấn lướt, làm lu mờ người khác.
Nếu đạo diễn nói bạn diễn hơi nhạt, chưa cuốn hút thì trong đời thực, bạn nên sôi nổi, năng động hơn một chút sẽ tốt hơn.
Nói cho cùng, bạn luôn là ngôi sao trong cuộc đời của chính mình, hãy có một vai diễn thật rực rỡ và đáng nhớ nhé!