Vì đâu tới nỗi "chiến tranh"?
Không thể phủ nhận rằng trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đang rất “được việc” trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là trong điện ảnh ngày nay. AI có khả năng giả lập các cảnh quay, mô phỏng giọng nói của diễn viên để tự lồng tiếng, thậm chí công nghệ deepfake (ghép mặt) cho phép các hãng phim vẫn sử dụng được chân dung các nhân vật nổi tiếng đã qua đời.
Marvel Studios vốn là một thương hiệu khá “thoáng” trong việc dùng AI hỗ trợ dựng kỹ xảo hình ảnh. Tuy nhiên, Samuel L. Jackson - người thủ vai Nick Fury trong Secret Invasion đã bày tỏ những lo ngại về vấn đề sử dụng AI trong sản xuất phim ảnh.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ngôi sao Marvel đưa ra lời khuyên rằng các diễn viên nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao quyền “sử dụng hình ảnh vĩnh viễn” cho AI.
Trước đó, tài tử Tom Hanks cũng bình luận về việc trí tuệ nhân tạo có thể dùng chân dung của mình để tiếp tục làm phim sau khi ông qua đời: “Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể tái tạo bản thân ở mọi lứa tuổi bằng AI hoặc công nghệ ghép mặt. Tôi có thể bị xe buýt đâm vào ngày mai và thế là xong, nhưng các cảnh diễn (nhân danh tôi) vẫn có thể tiếp tục.” Nam diễn viên khẳng định rằng đây không chỉ là vấn đề nghệ thuật mà còn là một thách thức về pháp lý.
Không chỉ lợi dụng hình ảnh diễn viên, các hãng phim còn sử dụng một số công cụ mới như ChatGPT, Runway,... để viết kịch bản - những “biên kịch” AI giúp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí (tiền công cho biên kịch "con người"). Sau khi nhận lượng lớn dữ liệu liên quan, AI có khả năng phân tích và học hỏi từ những gì có sẵn để tự đưa ra các kịch bản mới.
Như Do You Love Me (2016) hay Sunspring (2016) là những bộ phim ngắn đầu tiên do AI tham gia sáng tác kịch bản. Dù chất lượng chúng tạo ra hiện còn thấp, song nhiều diễn viên, biên kịch vì thế mà lo lắng việc trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nghiệp diễn lẫn sáng tạo nội dung.
"Phe" loài người đang phản kháng
Ngày 14/7 vừa qua, SAG-AFTRA (Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ) đại diện hơn 160.000 diễn viên tuyên bố đình công sau khi đàm phán thất bại với AMPTP (Liên minh Nhà sản xuất Phim và Truyền hình) - đại diện cho các "ông lớn" như Walt Disney, Netflix, Warner Bros.,... Cuộc đình công này đã hợp lực cùng "trận chiến" mà WGA (Hiệp hội Biên kịch Mỹ) tiến hành hơn 60 ngày trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bất bình của giới diễn viên, biên kịch Hollywood là mức thù lao được trả “không cân xứng” và sự can thiệp của AI trong sản xuất phim ảnh. Cả hai tổ chức đều yêu cầu được tăng lương cơ bản, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong bối cảnh truyền hình trực tuyến phát triển; đồng thời yêu cầu đưa ra các quy định minh bạch xoay quanh việc dùng AI trong sản xuất phim, đảm bảo các tác phẩm của họ sẽ không bị trí tuệ nhân tạo thay thế trong tương lai.
Đã có rất nhiều sao hạng A như Matt Damon, Cillian Murphy, Bryan Cranston hay Meryl Streep,... bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc đình công. “Harry Potter” Daniel Radcliffe xuống đường tham gia biểu tình tại New York (Mỹ), “Barbie” Margot Robbie cũng khẳng định rõ lập trường với tư cách là thành viên của SAG-AFTRA; trong khi Dwayne Johnson quyên góp hơn 1 triệu đôla cho quỹ hỗ trợ các diễn viên đang gặp khó khăn về kinh tế.
Theo trang tin The Hollywood Reporter, Tatiana Maslany thậm chí có khả năng không giữ được vai She-Hulk của Marvel vì cô thẳng thắn chỉ trích CEO Bob Iger của Walt Disney rằng ông quá vô tâm, không đoái hoài đến công sức và những quyền lợi đáng có của ê-kíp và diễn viên.
Đây được xem là cuộc phản kháng mạnh mẽ nhất của “người trong cuộc” tại Hollywood trước nguy cơ xâm lăng có thật của AI. Song không ai đoán trước được liệu "cuộc chiến" này có đạt được những thỏa thuận giúp người lao động cải thiện điều kiện việc làm hay không. Nhiều luồng ý kiến lo lắng rằng các cuộc đình công có thể chỉ càng thúc các “ông lớn” trong ngành giải trí Mỹ đẩy nhanh việc ứng dụng AI vào quy trình làm phim.
Câu "ảo như phim viễn tưởng" đang dần bớt vui trong tương lai
Cuộc “liên minh đình công" năm nay có quy mô lớn nhất trong nửa thế kỷ qua, khiến nền công nghiệp điện ảnh/ truyền hình Mỹ rơi vào tình thế "đóng băng".
Một số hãng phim hiện đang phải đối mặt với việc ngừng sản xuất hàng loạt.
Các dự án ra mắt phim như Oppenheimer tại New York đã bị hủy, và nhiều LHP quốc tế bị xáo trộn do các khách mời từ chối tham dự để ủng hộ cuộc đình công. Theo một số nguồn tin từ Sony Pictures, Spider-Man: Beyond the Spider-Verse sẽ bị hoãn chiếu vô thời hạn do ảnh hưởng từ cuộc đình công, bất chấp dự kiến ra mắt ban đầu là ngày 29/3/2024; Kraven the Hunter cũng phải dời ngày ra rạp từ 6/10/2023 sang 30/8/2024. Nhưng có lẽ, đây vẫn chỉ là những khởi đầu "không thấm vào đâu" cho một viễn cảnh đen tối hơn trong tương lai.
Trên thực tế, song hành cùng các sự kiện đời thực, nhiều tác phẩm điện ảnh từ lâu cũng đã âm thầm cảnh báo về sự xâm lăng của trí tuệ nhân tạo, trong đó phải kể đến The Terminator (1984), Blade Runner 2049 (2017), loạt The Matrix (1999-2021) hay những tập đan xen trong các phần Black Mirror. Gần đây nhất, ta có Mission: Impossible 7 (2023) của Tom Cruise, và sắp tới là The Creator với sự góp mặt của Ngô Thanh Vân.
Không quá phô trương khi nói rằng đây có thể chính là thời điểm khởi đầu của thứ viễn cảnh máy móc thay thế con người mà ta luôn chứng kiến trong các bộ phim khoa học viễn tưởng Hollywood tạo nên. Mỉa mai thay, chính những người ngồi trên "ngai vàng" của Hollywood lại là những kẻ giúp sức tạo nên thứ viễn cảnh mà họ đã từng hết sức lên án đó, tất cả chỉ vì hai chữ "lợi nhuận".