Vì sao điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính tại các trường đều cao chót vót?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Ngành Khoa học máy tính vì sao lại "hot" như vậy, ngành này so với với các ngành Công nghệ thông tin khác nhau thế nào và mức lương trung bình cho sinh viên ra trường bao nhiêu?

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đại học năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây sốc với mức điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (IT1) là 29,42 điểm. Số điểm này khiến cho 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn khối A00 cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua với 29,39 điểm đã không thể trúng tuyển.

Vì sao điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính tại các trường đều cao chót vót? ảnh 1

Tối qua 22/8, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cũng đã công bố điểm chuẩn năm 2023, trong đó cao nhất cũng là ngành Khoa học máy tính với điểm chuẩn 79,84 trên thang điểm 100.

Điểm chuẩn trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Đại học Kinh tế Quốc dân cũng ở mức cao là 35,35 điểm (trong đó môn Toán nhân hệ số 2).

Tương tự năm ngoái, năm nay ngành Công nghệ thông tin tại cơ sở phía Bắc của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy điểm đầu vào cao nhất. Kế đến là ngành Khoa học máy tính (định hướng Khoa học dữ liệu) với 26,55 điểm. Tại trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành học này cũng lên tới 27,25 điểm.

Có thể thấy, ngành Khoa học máy tính những năm gần đây đều có điểm chuẩn đầu vào ở ngưỡng cao, đủ thấy độ "hot" của ngành học này. Facebook, Amazon và Netflix là một số ít các công ty vẫn có lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu do đại dịch COVID-19. Dịch vụ của cả 3 công ty đều có một điểm chung là được khai thác thông qua thiết bị điện tử hay nói cách khác là có sự góp mặt của Khoa học máy tính. Vì vậy, đây được xem là ngành học "tiên phong" cho thời đại kỷ nguyên số.

Ngành Khoa học máy tính dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin, khả năng tính toán của hệ thống máy tính. Khi theo học, sinh viên sẽ có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.

Ngoài ra, sinh viên có các kiến thức về hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…

Sinh viên được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu như: Định hướng kỹ nghệ phần mềm; Định hướng hệ thống thông tin; Định hướng Khoa học dữ liệu và Định hướng trí tuệ nhân tạo.

Vì sao điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính tại các trường đều cao chót vót? ảnh 2

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính cơ bản khác về chuyên môn không nhiều. Chủ yếu từ năm 3,5 lên năm 4 trở lên có phân hóa sâu về chuyên ngành. Còn các môn đại cương, cốt lõi ngành hầu như giống nhau. Hai ngành chỉ khác nhau về đối tượng áp dụng. Còn các ngành công nghệ thông tin khác học kiến thức chung, không đào tạo sâu như Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính…

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Khoa học máy tính có thể đảm nhận các công việc sau:

- Lập trình viên/ kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển, nhân viên kỹ thuật phòng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.

- Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…

- Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các hệ thống thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.

- Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; Kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.

- Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điều khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông… Kỹ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…

Mức lương ngành Khoa học máy tính phụ thuộc vào vị trí, địa điểm làm việc cũng như năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, đây được đánh giá là ngành học có mức lương "hấp dẫn". Một số thống kê cho thấy, 98% sinh viên của ngành có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Càng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, lên tầm chuyên gia thì mức lương bạn nhận được sẽ càng cao. Thực tế, có những chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng.

Vì sao điểm chuẩn đầu vào ngành Khoa học máy tính tại các trường đều cao chót vót? ảnh 6
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Từ năm học này sẽ không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, xếp loại thay đổi thế nào?

Từ năm học này sẽ không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, xếp loại thay đổi thế nào?

HHT - Những năm học trước, các trường dạy cả Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình 2018 thì việc xếp loại còn lẫn lộn ở các mức: Giỏi, Trung bình, Yếu, Kém. Nhưng bắt đầu từ năm học này, Chương trình GDPT 2018 đã áp dụng đồng loạt ở các khối lớp. Vì thế, tên gọi trong xếp loại học lực học sinh cũng thay đổi để đồng nhất.