Trong những ngày gần đây, một video cho thấy nước chảy cuồn cuộn trên sông được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, ở thời điểm lũ lụt do ảnh hưởng của bão Yagi đang xảy ra ở miền Bắc Việt Nam và cả ở Thái Lan, gây thiệt hại lớn về người và của.
Video này có ghi chữ tiếng Thái rằng đây là vỡ đập ở Trung Quốc, và đã được chia sẻ hơn 10.000 lượt, theo Yahoo! News.
Một vài video tương tự cũng được đăng trên các mạng xã hội bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm cả tiếng Trung.
Tuy nhiên, Yahoo! News, dẫn tin từ AFP, khẳng định tin trên là tin giả.
Một trong các video đăng trên X là vỡ đập ở Trung Quốc, video này được xem 1,2 triệu lượt, chia sẻ hơn 10.000 lượt. Ảnh: Yahoo! News. |
Cụ thể, việc tìm kiếm hình ảnh trong video (với tin giả) cho thấy đó là nước lũ ở gần Diên An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) vào khoảng đầu tháng 8.
Theo kênh CCTV của Trung Quốc, trận lũ đó là kết quả của mưa lớn từ 6/8 đến 9/8 năm nay, và đó là trận lũ tồi tệ nhất ở sông Lạc (Lạc Hà) kể từ năm 1994.
Còn trong thời gian gần đây, không hề có tin chính thức nào về việc vỡ đập ở Trung Quốc.
Trước đây, cũng đã có lần có các video và tin giả về việc xả lũ và/ hoặc vỡ đập được đăng bằng nhiều thứ tiếng ở các nước Đông Nam Á, và Trung tâm Chống tin giả của Thái Lan cũng từng chỉ ra một số tin giả thế này.
Nhiều nơi ở phía Bắc Thái Lan đang bị ngập. Ảnh: Public Relations Department/ Bangkok Post. |
Trong thời điểm liên tục có tin tức như hiện nay, trên mạng xã hội không thiếu tin giả. Dù người đăng có bất cứ mục đích gì thì lan truyền tin giả cũng là rất nguy hiểm. Vì vậy, người dân lưu ý theo dõi các nguồn tin chính thống của Nhà nước và ở địa phương, không chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc và chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng, xác nhận, đặc biệt là tin liên quan đến thiên tai, dịch bệnh…