Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp: Nhà trường nói gì về tin đồn "xử lý học sinh quay clip"?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Liên quan đến vụ việc nữ sinh Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, mới đây, mạng xã hội đang xôn xao trước thông tin học sinh quay clip ghi lại sự việc và đăng tải trên mạng xã hội phải chịu hình thức kỷ luật từ nhà trường.

Theo báo cáo của trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội) gửi Sở GD&ĐT, liên quan đến clip ghi lại cảnh học sinh quỳ khóc kiệt sức trước cửa lớp, nhà trường đã có buổi làm việc với các cá nhân có liên quan.

Được biết, sáng 30/9, Hiệu trưởng nhà trường đã mời 2 học sinh lớp 12D4 có liên quan về phòng khu hiệu bộ làm việc, yêu cầu lớp xác minh học sinh quay clip từ trong lớp. Học sinh Đ.V.T. xác nhận có quay clip từ trong bục giáo viên và gửi cho 2 bạn cùng lớp.

Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp: Nhà trường nói gì về tin đồn "xử lý học sinh quay clip"? ảnh 1
Trường THPT Đa Phúc - nơi xảy ra vụ việc.

Theo tường trình của cô P. (giáo viên xuất hiện trong clip) tại buổi làm việc giữa nhà trường và gia đình, N.T.K.C. là bí thư lớp, được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng C. đặt khác với thống nhất của cô giáo chủ nhiệm. Sau khi trao đổi, cô P. bảo học sinh C. ra đứng ở cửa lớp, không cho vào để học sinh tự giải quyết chiếc bánh mình đặt.

Khi lớp kê bàn ghế và bày tiệc chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra cửa thì học sinh C. quỳ xuống ở cửa lớp. Cô P. bảo học sinh đứng lên nhưng C. không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh C. nằm ra cửa lớp, đồng thời cô P. kéo áo học sinh này. Cô P. thừa nhận đây là hành động chưa chuẩn mực, xử lý nóng vội, gây hiểu lầm.

Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp: Nhà trường nói gì về tin đồn "xử lý học sinh quay clip"? ảnh 2
Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức gây xôn xao trên mạng xã hội.

Về phía học sinh C., theo báo cáo của nhà trường, C. cũng xác nhận mắc nhiều lỗi và sự việc diễn ra như cô P. tường trình.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng nhà trường đã nhắc nhở giáo viên có hành vi chưa chuẩn mực, hành động chưa đúng với vị trí của giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu giáo viên về viết tường trình. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường gọi điện cho bố học sinh C. đến trường gặp gỡ, làm việc.

Theo báo cáo của nhà trường, bố của học sinh C. và nhà trường đều thừa nhận cả hai bên cùng có lỗi. Hiệu trưởng cũng nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc, mong học sinh C. và gia đình thông cảm cho hành động của cô P.

Được biết, địa phương đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra sự việc. Ngày 2/10, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường tạm đình chỉ công tác của cô P. Thế nhưng mới đây, trên mạng xã hội lại xôn xao với thông tin học sinh quay clip ghi lại sự việc và đăng tải trên mạng xã hội phải chịu hình thức kỷ luật từ nhà trường.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc cho biết, nhà trường không xác minh các học sinh quay, chuyển cho người khác, nhà trường không có học sinh nào đăng video lên mạng. Ông Nguyễn Duy Hiền khẳng định vụ việc clip đã kết thúc, các học sinh yên tâm học tập. Về phía các học sinh liên quan, hiện chưa có phương án xử lý bởi theo nhà trường, cần chờ kết luận điều tra của cơ quan công an.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng luật sư Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết cơ quan công an đang vào cuộc và sẽ xác minh, làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Trong trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi làm nhục hoặc hành hạ người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây ra dư luận xấu cho xã hội, giáo viên có thể bị xem xét xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy vào tính chất của vụ việc và hậu quả xảy ra.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi làm nhục, hành hạ người khác, hành vi chưa đến mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có thể xem xét xử lý kỷ luật về tác phong, lời nói, ứng xử không phù hợp của giáo viên này gây ra dư luận xấu trong xã hội.

Quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT không quy định giáo viên được đuổi học sinh ra khỏi lớp. Lỗi mua bánh không đúng cửa hàng không đến mức bị quát mắng, gây áp lực như vậy.

Luật sư Tiến cho hay theo tâm lý học, nữ sinh trong trường hợp này phải có sự sợ hãi, hoảng loạn khi bị cô mắng vì làm sai ý nên mới dẫn đến kiệt sức như vậy. Hành vi của cô giáo không chỉ vi phạm quy định của ngành giáo dục còn xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người học.

Vụ nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp: Nhà trường nói gì về tin đồn "xử lý học sinh quay clip"? ảnh 6
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm