Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ
HHT - Khi nghĩ tới du học Mỹ, chúng ta thường nghĩ tới gì? Những trường thuộc Ivy League, hoặc chí ít cũng nên nộp những trường có thứ hạng cao? Nhưng sự thật là những công thức ấy chưa chắc giúp bạn chinh phục những đỉnh cao mà bạn mong muốn.

Khuôn mẫu về du học Mỹ: Đã tới lúc cần phải xóa bỏ

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 1

Khi nghĩ tới việc du học Mỹ, chúng ta thường nghĩ tới gì? Những trường thuộc Ivy League mới là những trường Đại học tốt nhất, hoặc chí ít cũng nên nộp những trường có thứ hạng cao? Bạn phải có ít nhất một giải thưởng quốc gia hay quốc tế, điểm SAT phải thật đỉnh? Thư giới thiệu và các hoạt động ngoại khoá phải hoàn hảo? Nhưng sự thật là những công thức ấy chưa chắc giúp bạn chinh phục những đỉnh cao mà bạn mong muốn.

Cậu bạn Nguyễn Thế Hoàn đã từng là niềm cảm hứng cho các bạn trẻ khi liên tiếp nhận được cú đúp hai Huy chương Vàng Toán Quốc tế, và nhận được học bổng toàn phần từ một trường Đại học ở Singapore. Nhưng, cậu bạn lại chọn lựa từ bỏ cơ hội du học Singapore để chinh phục du học Mỹ. Tuy nhiên, Thế Hoàn đã gặp khó khăn trong việc học Ngoại ngữ và kết quả là bị cả 5 trường Đại học Mỹ từ chối. Cậu bạn thừa nhận việc quá tập trung vào một lĩnh vực đã dẫn tới thất bại của mình khi chinh phục các giảng đường danh tiếng.

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 2

Trong bài viết trên The New York Times, Rebecca Sabky - cựu nhân viên phòng tuyển sinh Đại học Dartmouth, một trong 8 trường Ivy League của nước Mỹ đã chia sẻ về công việc của mình: “Hằng năm tôi có cơ hội đọc được hơn 2000 đơn tuyển của học sinh toàn thế giới. Tất cả các ứng viên đều cực kỳ tài năng và không ngừng học hỏi. Các bạn leo núi, đứng đầu câu lạc bộ ngoại khoá và phát triển công nghệ mới. Những thành tích của các bạn khiến cả người lớn cũng cảm thấy hổ thẹn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trong mớ hỗn độn những ứng viên sáng giá, quá nhiều học sinh nổi bật lại khiến khó phân biệt với nhau, ít nhất là trên giấy tờ. Đó là lý do mà chúng tôi rất tiếc phải từ chối rất nhiều học sinh, với lý do: Hồ sơ của bạn quá… đẹp, như những con cừu xuất chúng khác”.

Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ về một lá thư giới thiệu đã để lại ấn tượng sâu sắc: Lá thư giới thiệu từ một người lao công dành cho một cậu học sinh ở New England (Mỹ). Người lao công đã cảm thấy phải ủng hộ cho cậu bé vì cậu là người duy nhất trong trường biết tên tất cả các thành viên trong tổ lao công. Cậu ấy tắt đèn trong phòng trống, luôn luôn cảm ơn người quản lý hành lang mỗi buổi sáng và dọn dẹp ngay cả khi không ai nhìn thấy. Cậu ấy tôn trọng tất cả mọi người, bất chấp vị trí, sự nổi tiếng hay quyền hạn.

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 3

“Trong hơn 15 năm với 30.000 đơn ứng tuyển trong sự nghiệp, tôi chưa bao giờ thấy một lá thư giới thiệu từ một lao công của trường. Chúng tôi thường nhận những lá thư từ các tổng thống mãn nhiệm, người nổi tiếng, thầy hiệu trưởng... Nhưng thường thì những bức thư đó thất bại trong việc cung cấp cho chúng tôi một góc nhìn khác về con người của ứng viên dưới tư cách một thành viên của cộng đồng. Và bức thư của người lao công đã khiến cậu học sinh nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ hội đồng tuyển sinh” - cô Sabky chia sẻ.

Hãy là “phiên bản độc nhất”, thay vì “kẻ vượt trội”

Các trường Đại học không chỉ đánh giá các ứng cử viên dựa trên thành tích học tập xuất sắc, mà còn đánh giá trên đam mê và tính cách của ứng viên. Những điều ấy không thể hiện qua số liệu như điểm SAT mà thường từ những yếu tố rất nhỏ nhặt. Như cậu bạn Nguyễn Hoàng Long, người đạt được học bổng toàn phần 7 tỉ của trường NYU Abu Dhabi đã chia sẻ: Yếu tố khiến cậu chinh phục được trường là bài luận về cô bé bán vé số chứ không hẳn là những thành tích của cậu.

“Đôi khi một địa chỉ email không phù hợp nói lên nhiều điều hơn một bài luận cá nhân. Đam mê đối với cộng đồng hoặc với hoạt động ngoại khoá không phải chỉ được thể hiện qua vai trò hay giấy chứng nhận, mà còn là câu chuyện về hoạt động ấy được nhắc đi nhắc lại trong các bài luận và trong cả lúc phỏng vấn” - GS. Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard cho biết.

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 4

Cả nước Mỹ đang dần chuyển mình trong việc cải cách các hệ thống tuyển sinh và chất lượng giáo dục. Ví dụ như trường Minerva, một mô hình hệ thống giáo dục khai phóng (trong 4 năm, bạn sẽ phải học tại 7 quốc gia khác nhau) đã khiến cho toàn thế giới bất ngờ khi công khai chỉ trích tất cả các hệ thống tuyển sinh trước đây: Như việc dựa vào SAT, TOEFL, GPA, hay các bài luận để phân loại học sinh chỉ góp phần tăng cao sự bất công và khoảng cách giàu nghèo. Trường đã tự tạo ra một hệ thống đánh giá của riêng mình để chọn ra các học sinh phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, khi lên kế hoạch du học, thông thường, các bạn học sinh sẽ chọn các trường danh tiếng như các trường Ivy League, Williams, hay Amherst, nhưng ít tính tới khía cạnh liệu mình có phù hợp với ngôi trường ấy hay không.

Trong cuốn sách Excellent Sheep - The Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life, William Deresiewicz - từng là giáo sư Anh văn 10 năm ở trường Đại học danh tiếng Yale - đã miêu tả cuộc sống tại các trường danh giá với rất nhiều những mặt trái: Sự phân hoá giàu nghèo, cuộc chạy đua khốc liệt cho từng điểm số, và sự mất phương hướng của các học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Cuốn sách đã tạo ra một cuộc tranh luận không hồi kết tại Mỹ và kéo dài cho tới tận bây giờ.

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 5

“Những bức hình chụp khuôn viên hoành tráng lộng lẫy đậm khí trời Tây hay nụ cười rạng rỡ bên những gương mặt đủ màu da sắc tộc - ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đặc trưng khi nói về du học. Nhưng chúng chỉ là bề nổi màu hồng mà đằng sau ấy là cả mặt xám phức tạp ta phải nghiêm túc nhìn nhận” - Huyền Chip chia sẻ trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ - đường đến Stanford - “Mệt mỏi, thực sự rất mệt mỏi. Ở đây có văn hoá hạnh phúc, và ai cũng phải cố tươi cười rạng rỡ. Không hạnh phúc ở Stanford là một cái tội, và tôi là một kẻ tội đồ”.

Danh tiếng và sự thổi phồng của truyền thông đã khiến không ít các bạn học sinh ao ước được học tại các ngôi trường danh giá, bất chấp tính cách có phù hợp hay không. Một cô bạn trân trọng các mối quan hệ chân thành đã bị trầm cảm nghiêm trọng khi học tại Cornell, nơi mà cô bạn bắt buộc phải “networking” - đi ra ngoài và giao thiệp liên tục với những con người xa lạ. Và với bốn năm tại một nơi hoàn toàn xa lạ, việc lựa chọn một môi trường phù hợp với tính cách, khả năng và con người không những sẽ tăng cơ hội đậu của bạn trong kì tuyển sinh, mà còn khiến cho bốn năm của bạn trở nên đáng nhớ và hạnh phúc.

Cẩm nang du học: Đã đến lúc thay đổi "công thức" chinh phục Đại học Mỹ ảnh 6

Lời kết

Không có bất kì một công thức nào cho quá trình tuyển sinh Mỹ. Và cũng không có gì bảo đảm 100% nước Mỹ chính là đích đến cuối cùng cho sự thành công của bạn. Cậu bạn Nguyễn Thế Hoàn đã nhận ra Mỹ không phải là ước mơ duy nhất của mình và quyết định sẽ nhập học tại Hồng Kông để phát triển niềm đam mê Toán học của mình.

Success is something very personal - Thành công mang tính chất cá nhân. Điều gì đó phù hợp với người khác không có nghĩa là nó sẽ phù hợp với bạn. Nếu bạn làm theo những tấm gương “thợ săn học bổng” ở trên báo, người ta thành lập câu lạc bộ bạn cũng thành lập, người ta chọn học trường danh giá bạn cũng chọn trường danh giá, thì bạn là ai trong cuộc tranh đua này? Hãy nhớ, một trong những giá trị mà Mỹ đề cao chính là “individualism” - sự độc nhất. Và nếu bạn không có một điểm gì đặc biệt, bạn sẽ chỉ là một trong số những con cừu xuất chúng khác mà thôi.

Ước mơ du học, dù là Mỹ hay một quốc gia nào khác, đều là một cuộc chạy đua đường trường đòi hỏi bạn phải cố gắng trong nhiều năm và có sự chọn lựa chiến thuật để phát huy thế mạnh của mình.

TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH

MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái

Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái

Ngày 24/4, sau Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tuyến số 2 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.