Cây sồi cổ thụ ở Allerton – vùng ngoại ô thành phố Liverpool (Anh) – được cho là đã đứng ở đây từ khi người Normal xâm lược nước Anh vào năm 1066. Và giờ đây thì nó giành được giải thưởng Cái cây của Năm 2019. Đây là cuộc bình chọn thường niên, được tổ chức ở Anh và Ailen từ năm 2014, để tìm ra cái cây được nhiều người yêu thích nhất, dựa trên vẻ đẹp, đặc điểm và lịch sử đặc biệt của cây cối.
Năm nay, có hơn 11.000 người tham gia cuộc bình chọn, và cây sồi này đã nhận được 34% số phiếu, “đánh bại” một cây sung dâu mọc trên nóc một lâu đài ở Essex và “Cây Rồng” trên đảo Wight. Với giải “vô địch” này, thì cây sồi ở Allerton sẽ đại diện cho nước Anh để tham dự cuộc thi Cái cây của Năm, trên quy mô toàn châu Âu, sẽ được tổ chức vào năm 2020.
“Cây Rồng” trên đảo Wight cũng theo sát cây sồi Allerton, với truyền thuyết thú vị gắn liền với nó. Người ta cho rằng, “Cây Rồng” thực ra là thân của một con rồng hung dữ, bị một hiệp sĩ giết. Sau đó, thân con rồng biến thành một cây sồi gồ ghề, và những bàn chân của con rồng cắm sâu xuống đất, biến thành rễ cây.
Còn cây sồi Allerton thì lại có vai trò thực tế hơn trong lịch sử thành phố Liverpool, chứ không chỉ có nhiệm vụ biến khí carbonic thành oxy đâu! Dưới gốc cây sồi này có một tấm bảng, ghi: “Một ngàn năm trước, Allerton không có Tòa án, và các buổi hội họp của Tòa đều được tổ chức dưới những cành lá vươn dài của cái cây này”.
Thậm chí, vào thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II, những người Liverpool phải đi chiến đấu xa nhà thường nhận được những chiếc lá và quả sồi từ cây sồi Allerton, coi như là chút quà từ quê hương, và cũng được coi là dấu hiệu của sức mạnh và may mắn, giúp bảo vệ họ an toàn trong cuộc chiến.
Kể cả đến bây giờ, nhiều người vẫn thích đến ngồi dưới tán cây sồi, nhặt lá cây, và tin rằng việc này sẽ đem lại may mắn cho mình.