Để đáp ứng nhu cầu của hơn 1.92 tỷ người dùng hoạt động thường niên, lực lượng TikToker ngày càng nhiều và đa dạng, vô hình chung biến TikTok thành môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Theo Upfluence, năm 2023, tỷ lệ tương tác của các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok là 17,96% với các nhà sáng tạo nội dung có ít hơn 15 nghìn người theo dõi và 4.96% với các nhà sáng tạo có hơn 1 triệu lượt theo dõi.
Cùng với sự bắt đầu của “Kỷ nguyên lạm phát sự chú ý” (The era of attention inflation - từ dùng của nhóm nghiên cứu MIDiA), người dùng mạng xã hội bắt đầu chú ý nhiều hơn đến “nội dung” thay vì bản thân của các TikToker. Chính vì vậy, việc tạo dựng dấu ấn cá nhân của các nhà sáng tạo nội dung cũng quan trọng và khó khăn không kém chiến lược định vị một thương hiệu.
"Thánh đột nhập" @ducanh94: Tập trung vào những nội dung có cùng "trường năng lượng" với bản thân
Có hơn nửa thập kỷ gắn bó với công việc sáng tạo nội dung và hơn 6,5 triệu người theo dõi trên TikTok, TikToker Đức Anh Phạm và ê-kíp dự định sẽ tập trung vào các nội dung kết nối cộng đồng thay vì dấn thân vào làn sóng livestream đang thu hút rất nhiều người. “Thánh đột nhập showbiz” thẳng thắn chia sẻ bản thân không phù hợp với công việc bán hàng.
“Và livestream cũng vậy. Đức Anh cảm thấy năng lượng của các bạn livestream rất hiệu quả để bán hàng, còn mình thì chưa phù hợp. Thật sự rất khâm phục các bạn ấy khi có thể nói liên tục không ngừng, trong khi mình nói mấy phút thôi đã 'xuống giọng' rồi” - Đức Anh chia sẻ.
Đức Anh thẳng thắn chia sẻ bản thân chưa có ý định "đá chéo" sang livestream vì không hợp. |
@anbidien: Nội dung nào khiến bản thân
thoải mái thì đó là "thương hiệu bản thân"
Sở hữu “giao diện” nam thần nhưng có hệ điều hành “nam thần… kinh”, Nguyễn Đình An (@anbidien) thường đăng các nội dung liên quan đến POV (góc nhìn cá nhân), dance cover và meme hài hước. Những video như “bạn bắt gặp bị tra Gu gồ câu tiếng Anh xem đúng ngữ pháp chưa trước khi up Story”, “quần ngủ không có túi”, “rate các cách đeo túi tò te”... thu hút lượt tương tác khủng vì sự “vô tri” nhưng vô cùng có lý.
Có gì chia sẻ đó, "ngớ ngẩn" hay "điên" xíu cũng vẫn là phong cách cá nhân của Đình An. |
Trước khi đăng tải một video, Đình An chỉ thường cân nhắc liệu mọi người sẽ hiểu video như thế nào, nội dung có gây tranh cãi... thay vì tập trung vào kiếm tương tác, mức độ viral của nội dung hay thuật toán TikTok... Cậu bạn cho rằng, nếu bản thân vẫn thoải mái, vẫn “cười mệt” sau những lần xem lại video trong quá khứ, nghĩa là các nội dung vẫn giữ được “nét riêng” của chính mình.
@hahathithi: Đã làm nội dung về daily life
thì không có gì để so sánh với người khác
Sở hữu vẻ ngoài dịu dàng, nụ cười bẽn lẽn cùng gu thời trang đậm chất “bạn gái nhà bên”, Hà Thi (sinh năm 2001) khiến người xem “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Không tập trung vào kiểu nội dung nhất định, Hà Thi đăng tải nội dung khá ngẫu hứng như một cách để chia sẻ khoảnh khắc đời thường đến những người yêu mến cô bạn. Từ những video ngao du khắp trời Âu đến khoảnh khắc chơi đùa cùng mèo hoang trên đường về nhà… Hà Thi tỏa ra nguồn năng lượng “chữa lành” với loạt nội dung đơn giản, không cầu kỳ.
Hà Thi cho biết, bản thân quay chụp với mục đích là chia sẻ và lưu giữ kỷ niệm (rút kinh nghiệm từ lần về Việt Nam trong đợt dịch COVID-19, cô bạn rất muốn kể gia đình nghe về Hà Lan nhưng không có tư liệu nào), thế nên bắt gặp được gì, Hà Thi sẽ đăng tải gần như toàn bộ lên TikTok.
Cô bạn nhấn mạnh, vì chủ đề mà bản thân hướng đến là daily life (cập nhật về cuộc sống thường nhật) thì việc giữ mọi thứ tự nhiên, đôi khi thất thường (do Hà Thi bận rộn thi cử), chớp nhoáng mới chính là hình ảnh chân thực nhất.
Kể cả hình ảnh đăng tải, Hà Thi cũng chỉ đề cao sự thoải mái trong việc chia sẻ cuộc sống hằng ngày. |
@im.lukedo Lương Đỗ: Chỉ làm những nội dung
mà bản thân đã thấu hiểu nhiều nhất có thể
Bắt đầu với các video liên quan đến tập luyện và dần chuyển hướng sang dưỡng da, xây dựng lối sống lành mạnh... TikToker Lương Đỗ tin rằng, mỗi nội dung bản thân sáng tạo và đăng tải đều phải gắn với hiểu biết của bản thân.
“Ban đầu mình làm về luyện tập, gym... nhưng chuyển hướng sang skincare chỉ vì mình thấy bản thân không thể tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Nếu muốn xây dựng kênh chia sẻ về tập gym, mình sẽ phải tìm hiểu về dinh dưỡng, phát triển cơ bắp, trao đổi chất... chứ không thể làm trên bề mặt. Như thế rất khó để đi lâu dài.”
Lương Đỗ chỉ đăng tải, chia sẻ các chủ đề bản thân đã tìm hiểu kỹ càng. |
Theo Lương Đỗ, khi không thể quá chuyên sâu về một chủ đề nhất định, anh sẽ tập trung phát triển các nhánh liên quan đến chủ đề đó. “Mình muốn các bạn followers của mình hiểu là, khi bạn đã quan tâm đến sức khỏe, tập luyện, chăm sóc ngoại hình… thì các bạn đang dần hướng đến việc xây dựng một lối sống tích cực như mình đã và đang làm.”
Mời bạn đọc các bài viết về kỹ năng sống dành cho Gen Z trên báo Hoa Học Trò, phát hành ngày 1 và 15 hằng tháng tại nhà sách, sạp báo, bưu điện hoặc mua online qua Shopee.