Năm giờ chiều của những ngày giáp Tết làm nó cứ tưởng đã 7 - 8 giờ tối. Gác lại công việc còn đang dở dang, xếp gọn mọi thứ ngổn ngang trên chiếc bàn, nó hòa vào dòng người đang tấp nập hối hả sau giờ làm trên chiếc xe gắn máy. Những con xe lướt qua nhau mở đèn sáng rực, người đi đường mặc áo dày cộm, có vài em bé đưa tay lên quệt quệt cái mũi đang chảy nước.
Con đường từ chỗ làm về nhà hôm nay bỗng tràn ngập sắc màu và rộn ràng hơn hẳn. Dọc các tuyến phố, những tấm bảng hiệu bằng đèn led nhấp nháy liên tục hoa cả mắt. Từ cửa hiệu quần áo, quán cà phê đến các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy đều đã dán mấy tấm decal hình hoa mai, hoa đào, bánh tét, bánh chưng và những đồng tiền vàng lấp lánh… Những bản nhạc chào đón năm mới, tạm biệt năm cũ được phát ra từ chiếc loa cỡ lớn lấn át cả tiếng xe máy, tiếng còi ô tô. Trái tim trong lồng ngực cũng nhảy thình thịch thình thịch theo điệu nhạc.
Tất cả những âm thanh, hình ảnh cùng khí trời lành lạnh hòa quyện vào nhau làm cho phố phường trở nên thấm đẫm vị Tết. Trong lòng nó bỗng trở nên háo hức, nôn nao chờ Tết, chờ đến ngày được nghỉ về nhà đón năm mới với ba, mẹ. Và cả thằng Út hễ gặp là cứ cự cãi suốt, nhưng đi xa lại thấy nhớ.
Tết làm nó nhớ mùi khói từ chiếc lò đất của mẹ, khói trắng xóa, nghi ngút, kèm theo tiếng ho sặc sụa lúc nhóm lò nấu món thịt kho hột vịt, thổi hì hà hì hụi mãi mới có lửa bởi củi còn ướt. Mùi của con khô cá lóc nướng đã chín trên đống than đỏ, thơm tứa cả nước miếng. Nó tính ăn vụng mấy miếng, nhưng chưa kịp gì đã nghe tiếng ba: “Đem khô lên lẹ lẹ cho ba nhậu, lấy củ kiệu, tôm khô luôn, sẵn hai chị em đi mua nước đá đi”. Nó “Dạ” một tiếng thật dài, lòng còn tiếc nuối, thèm thuồng mấy con khô vẫn thơm ngay cả khi đã nằm trên đĩa.
Khô cá lóc nướng là món nhậu “ruột” của ba mấy ngày Tết, ba vừa mời chiến hữu vừa khoe luôn cái quá trình để có được con khô nào đâu có dễ dàng. Như mùa khô năm đó, trời không được nắng, những ngày đợi cá tươi thành cá khô là những ngày nhà nó phải sống cùng cái mùi “thum thủm” từ trong nhà ra đến tận cổng. Thật khó mà tả nổi, nhưng mùi đó khắc sâu trong trí nhớ đến mức mỗi khi đi ngang nhà một ai đó, chợt nghe cái mùi quen quen trong gió là nó biết ngay nhà đó đang phơi khô.
Lớn lên, xa quê, những ngày cận Tết nó hầu như không còn được ngửi thấy mùi khô cá lóc nướng nữa. Cả mùi “hăng hăng” của tóc mẹ mới nhuộm sau một ngày ngồi chen chút mòn mỏi ở tiệm tóc. Nó hay chọc mẹ: “Mẹ nay trẻ ra 10 tuổi nè!”. Mẹ cười ha hả: “Xạo quá mậy!” Lòng nó chợt bùi ngùi nhớ lại cách đây mấy hôm mẹ gọi, kể với nó, tóc mẹ năm nay bạc nhiều rồi, nhuộm hai lần mà vẫn còn thấy bạc.
Nỗi nhớ về Tết và mẹ có cả mùi lúa tươi chưa kịp gặt phảng phất đâu đó trên con đường quen thuộc về nhà ngoại. Hai mẹ con chở nhau đem cặp dưa, cặp bưởi, mấy hộp bánh mứt để bà chưng dịp Tết. Chiếc xe máy vừa đi khuất dãy nhà cấp bốn trong thị trấn, trước mặt nó cánh đồng lúa rộng lớn rì rào cùng gió hiện ra. Những bông lúa bắt đầu ngả vàng trải dọc khắp con đường quê, bóng dáng ai đó đi thăm đồng nhấp nhô đằng xa trong chiếc nón lá, tiếng nổ tành tạch của chiếc máy bơm nước đang chăm chỉ tưới nước cho đám ruộng xa bờ kinh. Nó tự cười tủm tỉm trong những dòng ký ức miên man ấy rồi rơm rớm nước mắt.
Những điều bình dị, đơn sơ, mộc mạc vậy đó mà làm cho người đi xa quê tha phương cầu thực đủ lâu như nó phải trông ngóng từng giờ để được về ăn bữa cơm gia đình vào những ngày Tết. Tết mãi là khoảng trời thơ ấu bình yên và tươi đẹp, nó cất giữ cẩn thận ở một ngăn đủ lớn trong tim để lòng được an yên trước những nắng, gió mai sau của cuộc đời.