Những hình ảnh này có giống bạn không: Điện thoại lúc nào cũng dính chặt lấy tay. Bạn cảm thấy rất thiếu thốn, bối rối và bồn chồn nếu chẳng may đi đâu mà quên điện thoại ở nhà. Google có vẻ là kho trả lời tất cả mọi câu hỏi của bạn. Twitter giống như hồ sơ lưu lại từng suy nghĩ của bạn. Và nếu bạn muốn biết thông tin gì về bạn bè hay họ hàng mình, bạn sẽ đăng nhập vào Facebook thay vì gọi điện hỏi thăm họ.
Twitter gây nghiện hơn cả… thuốc lá!
Cũng như những người nghiện thuốc lá luôn thèm cảm giác hưng phấn mà họ có được khi hút thuốc, thì một nghiên cứu mới của Đại học Chicago, Mỹ đã cho biết rằng Twitter cũng có thể tạo ra cảm giác nghiện tương tự.
Lý do mà chúng ta dễ yêu mạng xã hội đến thế? Các nhà khoa học cho rằng bởi ai cũng thấy mạng xã hội vừa miễn phí, vừa vô hại, lại có vẻ chẳng làm sao mà phản tác dụng được. Nhưng việc bạn cứ dính chặt vào những loại mạng xã hội trên Internet mang tính cập nhật liên tục như Twitter, Path hay Pinterest thậm chí là chụp ảnh Instagram, có thể “ngắt kết nối” của bạn đối với các mối quan hệ thực trong cuộc sống. Hơn nữa, một nghiên cứu khác còn khẳng định rằng nếu bạn cứ liên tục check mail trên đủ mọi phương tiện mà bạn có thể sờ được (điện thoại, iPad, máy tính…), thì nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm của bạn sẽ tăng gấp đôi.
Facebook khiến bạn buồn bã vã tự ti hơn
Bạn đang cảm thấy ủ rũ? Vậy đừng lọ mọ vào FB với hy vọng tinh thần mình phấn chấn lên. Nghiên cứu mới cho rằng tình yêu dành cho FB có thể làm sụt giảm đáng kể lòng tự tin của bạn - và bạn càng có nhiều “friends” trên FB, thì tình hình càng trầm trọng!
Tại sao? Kết quả của nghiên cứu này cho thấy mặc dù bản thân FB không phải là kẻ xấu, nhưng nó có thể trở thành nền tảng phát sinh những hành vi mang tính tự hủy hoại, đặc biệt là kiểu so sánh tiêu cực. Khi bạn đăng nhập vào FB, bạn nhìn thấy đầy những bức ảnh bạn bè của bạn trong những chuyến du lịch thú vị tới châu Âu, hoặc ai đó chụp ảnh món quà giá trị được người yêu tặng. Nếu bạn cố xem cho hết, thì việc cảm thấy buồn bã về cuộc sống không-thú-vị-lắm của mình là điều hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng bạn hãy nghĩ theo chiều hướng này này: Con người luôn có xu hướng chia sẻ thông tin về những ngày hoặc những khoảnh khắc đẹp nhất của họ - và giữ những ngày buồn nản hoặc thường thường cho riêng mình thôi!
Điện thoại có quan trọng hơn vệ sinh cá nhân?
Bạn có sẵn sàng đánh đổi cái bàn chải đánh răng của mình trong một tuần để được giữ điện thoại di động không? Đó là câu hỏi được đặt ra cho 514 người Mỹ, và lạ chưa (hay là không hề lạ chưa), có đến 22% số người nói họ sẽ chẳng thèm bàn chải đánh răng trong một tuần, chỉ để được giữ chiếc điện thoại của mình. Đối với riêng những người dùng iPhone, thì số người muốn giữ chiếc điện thoại công nghệ cao yêu dấu của mình thay vì bàn chải đánh răng lên tới con số rất sốc: 40%!
Liệu đây có phải là một dấu hiệu mà chúng ta đã bước quá cái giới hạn trong mối liên quan giữa công nghệ với cuộc sống? Quay ngược lại chỉ 5 năm trước, thì iPhone thậm chí còn chưa có mặt trên thế giới - mà bây giờ chúng ta lại phát hoảng nếu phải “cách ly” với nó chỉ vài giờ. Nếu bạn chính là người thuộc con số 40% kia, có lẽ bạn nên bảo Siri lên lịch cho bạn hẹn gặp nha sĩ?
TEAMIRI