Món ăn tinh thần "dễ chịu" dịp đầu năm
Gặp Lại Chị Bầu lấy đề tài xuyên không, kể câu chuyện về nhân vật trung tâm Phúc (Anh Tú) vốn mồ côi, sống bơ vơ ở Sài Gòn. Sau một tai nạn, Phúc trở về quá khứ năm 1997 - thời điểm anh được sinh ra. Từ đây, Phúc có cuộc gặp gỡ định mệnh với nhóm bạn gồm Huyền (Diệu Nhi), Ngọc (Ngọc Phước), Tuấn (Quốc Khánh) và người chủ nhà tốt tính Mỹ Lệ (Lê Giang). Nhờ màn hội ngộ này, Phúc vô tình tìm ra câu trả lời về bí mật mà anh luôn tìm kiếm.
Bộ phim quy tụ dàn cameo đình đám: NSƯT Công Ninh, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Trung Dân, ca sĩ Đan Trường,... Trong bối cảnh cuối thế kỷ 20, đặc biệt là khi khai thác chuyện nghề diễn, sự góp mặt của những tên tuổi kỳ cựu tạo ra tràng cười sảng khoái cho khán giả ở hồi đầu phim.
Diễn viên Lê Giang - với kinh nghiệm dày dạn của mình, "ăn điểm" ở cả những phân đoạn hài hước và cảm động. Trong khi đó, Ngọc Phước vẫn thể hiện tốt mảng hài "vô tri" đặc trưng của cô.
Về cặp nhân vật chính, Anh Tú làm tốt ở những phân đoạn cao trào, đoạn đối đáp cải lương cũng mang đến tiếng cười cho người xem. Tuy nhiên, ở những đoạn tương tác với Diệu Nhi, Anh Tú còn khá "sượng", đặc biệt là trong các phân cảnh tình cảm quan trọng.
Diệu Nhi vẫn chưa thực sự "tròn vai" trong cả diễn xuất bằng ánh mắt lẫn lời thoại. Nữ diễn viên thể hiện tốt ở những phân đoạn hài nhưng lại khá "đuối" khi bước vào những cảnh cần lột tả nội tâm biến động, giằng xé.
Gặp Lại Chị Bầu có đường hình và màu phim ổn, tái hiện không khí sôi động những năm cuối thập niên 1990. Tuy nhiên, càng về cuối, bộ phim càng có nhiều khúc cắt cảnh gây "chưng hửng". Khán giả bị "lôi" trở ngược lại hiện tại quá nhanh và hầu như "chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra". Ở hồi hai của phim - khi nhân vật Phúc dần nhận thức được sự thật - cắt cảnh quá nhanh khiến nhịp phim bị rời rạc, khán giả chưa kịp rơi nước mắt đã phải cười.
Sẽ vượt qua cái bóng của "Cua Lại Vợ Bầu"?
Cùng đặt câu hỏi "Cha của đứa bé là ai?" thế nhưng Gặp Lại Chị Bầu lại có cách khai thác khác biệt so với siêu phẩm điện ảnh Cua Lại Vợ Bầu. Bộ phim đặt vấn đề ở nhân vật Phúc, một đứa trẻ mồ côi hoài nghi về gốc gác của mình và khai thác chủ đề xuyên không, vốn không mới nhưng dễ gây tò mò, thích thú.
Tuy nhiên, kịch bản của Gặp Lại Chị Bầu lại tồn tại nhiều "sạn". Việc bà chủ nhà Mỹ Lệ gặp Phúc lần đầu nhưng đã dễ dàng tin tưởng khá phi logic, cách hành xử của nhân vật Mạc Văn Khoa và Kiều Minh Tuấn bị đánh giá "thiếu thực tế". Kịch bản của phim cũng sa vào lối tham thoại, đưa quá nhiều thông tin vào một phân đoạn thay vì sử dụng ngôn ngữ điện ảnh. Gặp Lại Chị Bầu cũng tạo ra sự tranh cãi về việc khai thác tuyến truyện của Tú Hảo - Anh Tú vì đa số các phân đoạn này không đóng góp nhiều vào sự tiến triển của mạch phim.
Cũng như nhiều phim Việt khác, Gặp Lại Vợ Bầu tốn phần lớn thời lượng chỉ để giới thiệu nhân vật. Phần giải quyết vấn đề của phim cũng bị vội, do đó khán giả thiếu khoảng lặng để tự đúc kết được những chiêm nghiệm riêng.
Nhìn chung, bộ phim với bài học về tình yêu, tình bạn và đặc biệt là tình cảm gia đình phù hợp cho dịp đầu năm mới. Thế nhưng, sẽ khó để Gặp Lại Chị Bầu trở thành một bước ngoặt ấn tượng. Thể loại, chủ đề và motif của phim không mới mẻ, ấn tượng. Bên cạnh đó, gu thưởng thức của khán giả đã cao hơn, đòi hỏi cách làm phim mới mẻ hơn thay vì chỉ áp dụng công thức cũ: Diễn viên tên tuổi - tình cảm/ hài - chiếu dịp lễ, Tết.