Tiếp nối đêm thi mở màn thành công, Tình Bolero 2019 – đêm chủ đề thứ 2: “Chuyện Của Sắc Màu” tạo ra nhiều ấn tượng lẫn cảm xúc mới lạ khi kết hợp các tiết mục solo trên 1 sân khấu chung. Trong đó, khoảnh khắc khó quên phải kể đến sân khấu “nối” hai ca khúc solo của Hamlet Trương và Kha Ly.
Trước khi tham gia, khi được hỏi đâu là lợi thế của mình tại Tình Bolero 2019, Hamlet Trương hài hước: “Những bài hát dự thi đều do chính Hamlet Trương sáng tác. Nếu hỏi đâu là lợi thế thì có lẽ mình không phải lo về vấn đề bản quyền”. Và như lời tuyên bố, sau khi chinh phục khán giả bằng sáng tác Lan Và Điệp 4 ở chủ đề 1, Hamlet Trương khiến người xem lẫn BGK thích thú khi tiếp tục mang đến một sáng tác mới của mình mang tên Ra Bờ Sông.
Theo Hamlet Trương, “Dẫu không phải nhất tuần nhưng với số điểm cao thứ 2 cũng là nguồn động lực rất lớn cho Trương. Với Trương, hát ca khúc này có hai cái khó. Một là cách hát của nhạc mang âm hưởng dân ca đòi hỏi khả năng luyến láy đặc trưng, tiếng hát phải mộc mạc chân thành thì hát mới ra được. Cái khó thứ 2 là sáng tác nhạc mang âm hưởng dân ca đối với Hamlet khá là lạ lẫm vì dù đã sáng tác rất nhiều nhưng thể loại này Trương chỉ mới thử một lần duy nhất là bài ‘Vợ Chồng Son’ của Phi Nhung. Ra Bờ Sông là bài hát thứ hai Hamlet Trương sáng tác thuộc thể loại này”.
Việc liên tục mang sáng tác mới “chinh chiến” tại Tình Bolero 2019 không chỉ cho thấy độ “chịu chơi” của Hamlet Trương, điều này còn thể hiện thái độ nghiêm túc của chàng nhà văn – nhạc sĩ đến với cuộc thi. Bởi không chỉ dạo chơi đơn thuần, Hamlet Trương hy vọng mọi người sẽ nhìn thấy một Hamlet Trương phiên bản Bolero với các sáng tác mang màu sắc tươi mới, nhưng vẫn giữ được “chất tình” vốn có của dòng nhạc này. Hơn hết, theo nhiều khán giả, họ rất hoan nghênh bước đi của Hamlet Trương, bởi sự đóng góp của người trẻ sẽ góp phần giúp cho “kho” nhạc Bolero được mở rộng, tiếp cận nhiều hơn đối tượng khán giả.
Anh bày tỏ lý do chọn con đường “tự làm khó mình” này: “Không phải Trương lì lợm hay khoe mẽ, mà mình chỉ nghĩ rằng muốn có thế hệ hát nhạc quê hương hay Bolero tiếp nối, phải có tác phẩm tiếp nối. Cảm giác đi thi của Trương cũng không giống những năm xưa. Hồi đó trong lòng mình không có lửa, thi mông lung lắm. Bây giờ, con đường trong tim mình rõ ràng. Nhìn ai trong cuộc thi cũng thương, không muốn anh này rớt, không muốn cô kia rời, mỗi tập lại thấy tận hưởng từng giây phút trên sân khấu là điều tuyệt vời hiếm quý”.