Nhiều khách hàng của Hermès bức xúc vì họ phải mua thêm quần áo, khăn quàng cổ và đồ gia dụng khác của thương hiệu trước, sau đó mới được xét duyệt để mua túi xách Birkin.
Các khách hàng và chuyên gia cáo buộc rằng Hermès vi phạm các quy định chống độc quyền của thị trường, trong đó có một điều luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã quy định: Bất kì hành vi đóng thêm một gói hàng hóa hoặc buộc mua kèm đều là lạm dụng quyền lực thị trường.
Các khách hàng của Hermès bức xúc vì họ phải mua thêm quần áo, khăn quàng cổ và phụ kiện, sau đó mới được xét duyệt để mua túi xách Birkin. |
Các khách hàng thậm chí còn viết cả đơn khiếu nại để yêu cầu thương hiệu này đưa ra các phương pháp thay thế, thay vì yêu cầu họ mua thêm các sản phẩm khác và họ không muốn quyết định mua hàng của mình bị ảnh hưởng bởi sự khao khát túi xách Birkin. Các khách hàng còn chỉ ra rằng, nhân viên bán hàng của Hermès nhận được rất nhiều tiền hoa hồng khi thực hiện hành vi này, nên họ cảm thấy việc này giống hình thức "bia kèm lạc" và là một kế hoạch hẳn hoi.
Khách hàng viết cả đơn khiếu nại để yêu cầu thương hiệu Hermès thay đổi chính sách. |
Nhưng Hermès lại phủ nhận hành vi này trong một bài phỏng vấn gần đây với báo chí. Hermès thậm chí nghiêm cấm mọi hoạt động khuyến khích khách hàng mua các sản phẩm khác rồi mới được mua những chiếc túi đặc biệt của thương hiệu này. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Axel Dumas đã thừa nhận rằng các nhân viên tại cửa hàng sẽ kiểm tra "thông tin mua hàng" của từng vị khách và ưu tiên bán những chiếc túi đặc biệt cho những khách hàng có lịch sử mua hàng ấn tượng. Hermès đưa ra chính sách này là vì muốn ngăn chặn sự bùng nổ của hoạt động re-sale (bán lại) trên thị trường.
Hermès đưa ra chính sách này là vì muốn ngăn chặn sự bùng nổ của hoạt động re-sale. |
Thực tế Hermès không phải là thương hiệu duy nhất có quy định này. Các thương hiệu xa xỉ khác, ví dụ như Rolex cũng yêu cầu người mua phải trở thành khách hàng thân thiết của họ rồi mới được phép mua các sản phẩm đồng hồ đặc trưng nhất của họ.