Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Người dân địa phương tin rằng cái “miệng” tròn xoe khổng lồ đó là cánh cổng dẫn đến nơi giam giữ những vị thần, và cũng là lối đi đến Địa ngục. Nhưng một đội thám hiểm đã vừa xuống đến tận đáy của “Giếng Địa ngục” đó, và họ thấy ở dưới đó có những gì?

Tại đất nước Yemen, có một nơi gọi là “Giếng Barhout”, nhưng người dân địa phương thì quen gọi là “Giếng Địa ngục”. Đó là một cái “hố” lớn, miệng tròn xoe đến kỳ dị, ở giữa sa mạc.

“Giếng Địa ngục” gần như chưa từng được khám phá. Thậm chí, người dân trong vùng không muốn đến gần cái miệng hố khổng lồ đó và còn tránh nhắc đến nó, vì cho là nhắc đến thôi cũng sẽ gặp xui xẻo. Họ tin rằng, đó là nơi giam giữ các vị thần trong truyền thuyết hoặc “các linh hồn hắc ám”, và con người nếu đến gần sẽ bị hút xuống hố, không thể thoát ra được.

Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì? ảnh 1

"Giếng Địa ngục" trong một bức ảnh chụp từ trên cao. Ảnh: AFP via Getty Images.

Cái “giếng” kỳ bí này nằm ở vùng sa mạc thuộc tỉnh Al-Mahra, phía Đông Yemen. Miệng của “giếng” có đường kính khoảng 30 mét, “giếng” sâu khoảng 112 mét, và theo một số báo cáo thì nó bốc mùi kỳ lạ.

Thế rồi một nhóm thám hiểm đến từ Oman đã vừa xuống tận đáy "giếng" để xem có những gì. Đây được coi là lần đầu tiên có người chạm đến đáy của “Giếng Địa ngục”.

Theo Đội Thám hiểm Hang động Oman (OCET), thì ở bên dưới “giếng”, họ thấy nhiều rắn, động vật chết (chủ yếu là chim) và những viên ngọc trai hang động (những viên khoáng chất). Tuy nhiên, họ không thấy có dấu hiệu siêu nhiên nào.

Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì? ảnh 2

Một đội thám hiểm đã quyết định xuống tận đáy "giếng". Ảnh: OCET/ AFP.

Ông Mohammed al-Kindi, giảng viên Địa chất học ở ĐH Công nghệ Đức ở Oman, nói với trang AFP: “Có nhiều rắn, nhưng chúng không làm gì bạn, trừ phi bạn làm phiền chúng trước”. Ông Kindi là một trong 8 nhà thám hiểm đầy kinh nghiệm đã “dám” xuống tận đáy "giếng", còn một vài đồng nghiệp của ông thì ở lại trên mặt đất.

Có lẽ mùi khó chịu từ “Giếng Địa ngục” chính là do xác động vật ở dưới đó, chứ những nhà thám hiểm cho rằng không có mùi khí độc.

OCET cũng cho biết, dưới đáy “giếng” là một bề mặt không bằng phẳng, có nhiều măng đá, một số cao tới tận 9 mét, theo tờ Muscat Daily của Oman.

Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì? ảnh 3

Đây được cho là lần đầu tiên có người xuống tận đáy "Giếng Địa ngục". Ảnh: OCET/ AFP.

Các nhà chức trách ở Yemen thì từng nói, họ nghĩ cái “giếng” này đã được “cả triệu năm tuổi”. Họ cho biết đã từng thử thám hiểm, nhưng chỉ xuống sâu chừng 50 - 60 mét thì “thấy những điều kỳ lạ trong đó và cũng ngửi thấy mùi lạ, tạo nên một bối cảnh rất bí ẩn”, nên không dám xuống tiếp.

Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng đây không phải là cái “giếng”, mà là cái hố được tạo thành do đất sụt.

Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì? ảnh 4

Một nhà thám hiểm đứng ở đáy "giếng". Ảnh: AFP.

Đội thám hiểm cho rằng, việc khám phá “Giếng Địa ngục” sẽ khiến chúng ta biết về một “kỳ quan” mới, và có thể tiết lộ thêm về lịch sử của Yemen. Họ đã thu thập một số mẫu nước, đất đá và cả động vật chết, nhưng vẫn chưa phân tích được. Dự kiến là bản báo cáo đầy đủ chính thức về “Giếng Địa ngục” sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Lần đầu tiên có người xuống tận đáy “Giếng Địa ngục” ở Yemen, họ thấy dưới đó có những gì? ảnh 8
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

HHT - Trong lúc mưa bão chưa từng có tiền lệ đang diễn ra, bầu trời ở thành phố Dubai (UAE) bỗng nhiên chuyển thành màu xanh lá cây và không khí dường như có một lớp bụi. Hình ảnh này khiến nhiều người sợ hãi, cho rằng trông giống như trong các bộ phim về thảm họa thiên nhiên. Vậy hiện tượng này được giải thích thế nào?